Hủy
Phong Cách Sống

Phát huy giá trị cầu Long Biên

Minh Hiếu Thứ Năm | 26/10/2023 09:17

Cầu Long Biên. Ảnh: T.L

Đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên.
 

Sáng ngày 25/10, tại Hà Nội, Hội thảo Khoa học do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 và Công ty Cổ phần Bảo tàng cầu Long Biên đồng phối hợp tổ chức với chủ đề: Đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành của Trung ương, thành phố Hà Nội; các chuyên gia quy hoạch, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội…

Cầu Long Biên Hà Nội là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, là 1 trong 2 cây cầu thép lớn nhất thế giới đầu thế kỷ XX, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1899, đặt tên là cầu Doumer (theo tên của Toàn quyền Đông Dương), và được Hà Nội đưa vào sử dụng năm 1902, từ sau Cách mạng Tháng tám 1945 cầu được gọi là cầu Long Biên.

Ở Việt Nam, cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, nối liền tuyến giao thông đường sắt huyết mạch nối cửa biển Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn), bắt đầu cho kỷ nguyên khai thác đường sắt.

Cây cầu còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Về văn hóa, cây cầu vừa mang tính biểu tượng, vừa là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội với tên gọi có nghĩa là “thành phố ở trong sông”, cầu Long Biên đã trở thành nhịp sống, một phần ký ức của người Hà Nội vắt qua 3 thế kỷ.

Phát biểu tại Hội thảo, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai. Cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn Thành phố Hà Nội nói chung.
 

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Trong hơn 120 năm chứng kiến những thăng trầm lịch sử, cầu Long Biên mang trên mình bao vết thương chiến tranh, dù đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần trùng tu khác, tuy nhiên do sức tàn phá thời chiến cũng như tuổi thọ quá lớn, cây cầu vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Vì vậy, ông Chính cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phân tích: Với hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên là một phần ký ức không thể phai nhòa của Hà Nội. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên trong cấu trúc Thủ đô hôm nay không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Điều quan trọng ở đây là hãy coi cầu Long Biên luôn có vị trí đặc biệt trong hệ thống cầu bắc qua sông Hồng (đoạn chảy qua thành phố Hà Nội) như nốt khóa Sol trong điệu Valse tuyệt mỹ trên dòng sông Cái, để kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, làm giàu thêm chất sử thi của Hà Nội ngàn năm văn hiến - văn minh - hiện đại.

Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như là một di sản đô thị của Hà Nội. Quá trình tôn tạo phải tuân thủ các tiêu chí về bảo tồn. Qua đó, cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời tăng dần công năng văn hóa của cây cầu này để vừa bảo tồn, tôn tạo và phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ: Chúng tôi rất tự hào vì từ sớm đã đồng hành cùng Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ủng hộ và bảo trợ cho ý tưởng và sau đó là “Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của Cầu Long Biên và khu vực liên quan” của Kiến trúc sư Nguyễn Nga. Năm 2018, Dự án được Hội báo cáo với thủ tướng Chính phủ và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ khi đó, văn phòng chính phủ đã gửi công văn cho phép mang dự án cầu Long Biên tham gia Triển lãm kiến trúc quốc tế ở Venice, ủng hộ việc thực hiện dự án bằng phương thức xã hội hóa và khẳng định chính phủ tạo mọi điều kiện để tiếp nhận đầu tư. Có thể nói, với thực trạng cây cầu hiện nay ở mức báo động nguy hiểm, trong khi những điều kiện để thực hiện dự án đang thực sự ở trong trạng thái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”! Vì vậy, cuộc hội thảo hôm nay sẽ là cột mốc quan trọng góp phần sớm hiện thực hóa mong ước của chúng ta đối với cây cầu Huyền thoại, niềm tự hào của Thủ đô và đất nước ta.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội thảo
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia quy hoạch, các nhà quản lý… đã đề xuất các ý kiến, giải pháp tập trung vào một số nội dung: Công nhận cầu Long Biên là di sản đô thị, di sản kiến trúc cầu duy nhất của Thủ đô, biểu tượng của Hà Nội để có được cơ chế chính sách, tài chính phù hợp cho công tác bảo tồn, tạo cơ hội huy động các nguồn lực và trách nhiệm của các bên trong quá trình cải tạo, đầu tư, quản lý và vận hành.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Các đại biểu cũng đề cập đến kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong công tác bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di sản; Giải pháp quy hoạch - kiến trúc cải tạo, chỉnh trang cầu Long Biên theo hướng tiếp cận mới; Giải pháp bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử cầu Long Biên trong việc tổ chức không gian khai thác các giá trị cốt lõi của cầu Long Biên trên cơ sở chuyển đổi dần mục đích sử dụng của cầu Long Biên từ giao thông sang công trình công cộng văn hóa để bảo tồn và khai thác du lịch.

Đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cho thế hệ mai sau. Cây cầu không chỉ đơn giản nối liền 2 bờ sông Hồng mà là cầu nối quá khứ với hiện tại và tương lai, là một chứng nhân lịch sử một thời đạn bom - một thời hòa bình. Chúng ta không thể đứng nhìn một cây cầu Long Biên huyền thoại trong tình trạng xuống cấp kéo dài từ năm này qua năm khác. Chúng ta cần phải có hành động càng sớm càng tốt để cứu cầu Long Biên. Theo lời nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Dy Niên thì “Quá khứ không thể thay đổi nhưng chúng ta có thể làm chủ tương lai”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới