Hủy
Phong Cách Sống

Trầm tích của bạc

Phương Quyên Thứ Sáu | 11/05/2018 18:52

Vietnam Silver House mở cửa đón du khách tham quan. Ảnh: Quý Hòa

Gây dựng lại bức tranh nghề bạc trong một bảo tàng, những người nặng lòng với nghiệp tổ đang dùng câu chuyện văn hóa để thổi nguồn sinh khí mới cho nghề.
 

Có những làng nghề chỉ còn một gia đình kế nghiệp, có những món trang sức khiến thế giới phải trầm trồ nhưng khách trong nước muốn mua thì không có... Ngành chế tác bạc thủ công với quá nhiều nghịch lý ngày một mai một. Gây dựng lại bức tranh nghề bạc trong một bảo tàng, những người nặng lòng với nghiệp tổ đang dùng câu chuyện văn hóa để thổi nguồn sinh khí mới với hy vọng sẽ có một tương lai khác.

Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay?
Phố chuyên doanh vàng bạc TP.HCM chiều cuối hạ, đoàn khách du lịch đến từ Pháp ghé chân đến nơi này theo chỉ dẫn của một công ty du lịch. Đoàn du khách trầm trồ trước các chế tác tinh xảo như rồng, phượng, trang sức... bằng bạc. Du khách có thể tự tay làm thợ bạc để chế tạo món nữ trang cho mình nên càng tỏ ra hào hứng.

Từ cuối tháng 4.2017, Ủy ban Nhân dân quận 5 đã chính thức đưa vào hoạt động phố vàng, bạc, đá quý tại 2 con đường Nhiêu Tâm và Nghĩa Thục, nhằm tôn vinh nghề chế tác trang sức của người Việt. Nhờ chủ trương trên, ngành du lịch thành phố có thêm một điểm đến thú vị.

Tram tich cua bac

Trước đây, vào những năm cuối của thập niên 1980, tuyến phố này là trung tâm kinh doanh trang sức lớn nhất vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa. Nay, vẫn còn gần 60 hộ kinh doanh nhưng quy mô phố vàng bạc không còn sầm uất như trước. “Ngày xưa, muốn học nghề, tôi phải làm thí công 3 năm, đóng thêm học phí là 3 cây vàng cho thầy. Thợ bạc ngày xưa danh giá. Ai cũng bảo, lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay là vì vậy”, ông Trần Phú Mỹ, một thợ bạc thủ công với hơn 40 năm theo nghề, chia sẻ.

Thời thế đổi thay, thu nhập bấp bênh, nhiều ngành nghề mới hấp dẫn hơn... lớp thanh niên sau không còn mặn mòi với nghề chế tác kim hoàn. Ông Mỹ cho biết, bây giờ, muốn có người học việc, chủ tiệm phải nuôi ăn, phải đảm bảo có việc làm, có thu nhập thì mới mong tuyển được thợ. Ấy vậy mà cũng khó giữ được chân người trẻ chịu gắn bó với nghề. Có 3 người con trai, 2 người con gái, nhưng ông Mỹ vẫn không có người kế nghiệp. Lớn tuổi, ông cũng không còn nhận đồ về gia công như trước. Chiếc bàn gỗ làm nghề gia truyền giờ nằm chỏng chơ bụi phủ, buồn hiu trong góc nhà.

Vực dậy nghề truyền thống
Không chỉ riêng Sài Gòn - Chợ Lớn, tại các làng chế tác bạc truyền thống trên cả nước, câu chuyện cũng tương tự. Tại làng Định Công, vùng đất được xem là một trong những tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long cổ trong “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”, tình trạng còn đáng lo hơn, chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình làm nghề bạc.

Khác với kỹ thuật chế tác bạc thông thường, sản phẩm bạc ở Định Công là bạc kéo sợi. Từ những thỏi bạc, người thợ phải khéo léo kéo chúng thành các sợi bạc nhỏ, mảnh như sợi chỉ rồi họ khéo léo uốn ghép thành các chi tiết khác nhau sau đó đem ghép các chi tiết đó trên khung thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Công việc chế tác đòi hỏi độ khéo léo, tính tỉ mỉ cao và sản phẩm làm ra cực kỳ độc đáo, giá trị cao. “Nếu không có giải pháp tốt hơn, những làng nghề khác rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng này”, ông Lê Quốc Thành, một doanh nhân lâu năm ở phố vàng bạc TP.HCM, nhận định.

Bỏ thời gian đi qua các làng nghề bạc từ Bắc chí Nam, lắng nghe tâm tư của người làm nghề cũng đang trăn trở như mình, ông Thành càng thêm lo lắng. Vừa đúng dịp phố vàng, bạc, đá quý quận 5 ra đời, ông Thành quyết định thử sức với con đường mới: mở cửa cho mọi người hiểu hơn về nghề, về khả năng chế tác tinh xảo của nghề và dùng câu chuyện văn hóa để chia sẻ giá trị với cộng đồng. Được sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân Quận 5, Vietnam Silver House ra đời ngay trong lòng phố vàng bạc đá quý, chứa trong đó bao hoài bão của những người làm nghề.

Là một bảo tàng nghề, Vietnam Silver House mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ở đó, khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hình thành nghề chế tác kim hoàn Việt Nam, được chiêm ngưỡng các hiện vật cổ liên quan đến nghề, được tận mắt chứng kiến các thợ kim hoàn tác tạo sản phẩm, biết được quy trình chế tác trang sức bạc hiện đại, từ khi còn là một nét vẽ phác thảo ý tưởng trên giấy, cho đến lúc thành hình một sản phẩm trang sức tinh xảo hoàn thiện... Ngoài ra, khách còn được hướng dẫn, tham gia để có thể làm trang sức cho chính mình. Vì sự mới lạ này mà từ khi hoạt động đến nay, dù chỉ mới vài tháng nhưng bảo tàng đã đón hàng ngàn lượt khách nước ngoài tham quan.

Không chỉ giới thiệu về nghề, bảo tàng còn là nơi giải quyết câu chuyện kinh doanh cho các làng nghề truyền thống. Ở đó, sẽ là nơi giới thiệu những sản phẩm trang trí thủ công tinh xảo bằng bạc có nguồn gốc từ các làng nghề thợ bạc truyền thống lâu đời nổi tiếng khắp Việt Nam trải dài trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. 

Cùng với đó là các mẫu trang sức hiện đại, lấy ý tưởng từ những hình ảnh đặc trưng trong văn hóa, đời sống, con người Việt Nam như áo dài, nón lá, chuồn chuồn, tre trúc, hoa sen. Các sản phẩm này do chính những người thợ bạc thâm niên tài hoa của Việt Nam thiết kế và hoàn thiện ở độ tinh xảo cao nhất. Ông Lê Quốc Thành nhận xét: “Tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam rất cao nhưng trang sức Việt Nam được xuất sang châu Âu hay những thị trường có yêu cầu cao như Nhật, Hàn Quốc... đều là sản phẩm đặt gia công. Nếu có đầu tư thêm về khâu thiết kế, giá trị gia tăng của nghề sẽ khác”.

Tram tich cua bac

Không chỉ vậy, theo ông Thành, việc đầu tư thiết kế cũng sẽ cải thiện được ấn tượng của người dùng về trang sức. Bởi lẽ, khác với thế hệ trước, giới trẻ ngày nay chú ý và tiêu dùng nhiều hơn các trang sức làm đẹp không đòi hỏi đắt giá. Trong đó, bạc là một chọn lựa ưu tiên. Nếu chinh phục được đối tượng khách hàng này thì bức tranh hiện tại và tương lai của nghề thợ bạc Việt Nam sẽ rất khác. Vietnam Silver House kỳ vọng sẽ phát triển được thêm vài mô hình bảo tàng nghề bạc nữa, trở thành điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến TP.HCM.

Để đạt được mục tiêu xa ấy, ông Thành cho biết, thời gian tới, những người làm nghề cần tiếp tục kêu gọi sự tham gia của đội ngũ thiết kế trẻ. Trong khả năng của mình, Vietnam Silver House cũng sẽ tiếp tục sưu tập thêm các hiện vật, làm phong phú hơn cho nội dung trưng bày ở bảo tàng. “Tôi không tin nghề bạc ở Việt Nam không tìm được đất phát triển. Nếu cố gắng, ấn tượng mọi người dành cho ngành sẽ khác”, ông Thành nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới