Hủy

Chánh niệm trên đỉnh Himalaya

Anh Thư Thứ Năm | 28/09/2017 12:30

Ladakh là một vùng cao nguyên rộng lớn và cao nhất của Ấn Độ, được bao bọc bởi hai dãy núi hùng vĩ nhất thế giới: Himalaya và Karakoram.
 

CUốn “Phương Đông huyền bí” với những vị Lạt ma và Yogi phi phàm cuốn hút chúng tôi tới Ladakh (Kashmir, Ấn Độ) những ngày cuối tháng 8. Đây là một trong bốn vương quốc Phật giáo Tây Tạng cùng với Tây Tạng, Bhutan và Sikkim. Đoàn của Trung tâm thiền Ozen với 23 thành viên tới Ladakh, ngoài thực hành thiền còn hạnh ngộ những nội dung về bản ngã và giác ngộ.

Duyên thiền với Đức Bhikkhu Sanghasena

Ladakh, một vùng miền núi Himalaya khô cằn ở Jammu và Kashmir, phía bắc Ấn Độ. Nằm trong dãy Himalaya, Ladakh là một vùng cao nguyên rộng lớn và cao nhất của Ấn Độ, được bao bọc bởi hai dãy núi hùng vĩ nhất thế giới: Himalaya và Karakoram. Ladakh mùa này được coi là đẹp nhất trong năm nhưng vẫn rất khó chịu với những người lần đầu tới đây vì không khí loãng và khô ở độ cao hơn 3.500m. Thế nhưng, những người hành thiền vẫn náo nức tìm tới đây vì Himalaya nổi tiếng có nguồn năng lượng mạnh mẽ và tinh khiết. Nhiều bậc đạo sư như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đạt được giác ngộ tại nơi này.

Kể từ khi mở cửa cho người nước ngoài vào năm 1974, Ladakh trở thành điểm đến cho những người say mê truyền thống văn hóa, tôn giáo và cảnh quan độc đáo của vùng đất này. Đức Bhikkhu Sanghasena nổi tiếng với hơn 40 năm giảng dạy Phật giáo tại Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới. Ngài đã xây dựng nên trường học Phật giáo ở thành phố Leh, Ladakh và Trung tâm Mahabodhi International Meditation Centre. Ngoài các hoạt động thiện nguyện tại vùng, hằng năm, Trung tâm đón tiếp hàng ngàn người trên khắp thế giới tới thực hành thiền, Yoga... giữa núi non mờ ảo trong mây và tuyết trắng cùng những vườn táo đỏ rực.

Hình ảnh các thiền sư thiền định trên những ngọn núi cao quanh năm tuyết phủ và có những năng lực phi phàm có vẻ rất huyền bí với nhiều người trần tục. Nhưng đối với Đức Bhikkhu Sanghasena, thiền đơn giản là tịnh tâm ý thức được những gì đang xảy ra trong bản thân, trong tâm và trong hoàn cảnh xung quanh mình, trong đạo Phật gọi đây là chánh niệm. Khi người ta tập cách trở về với hơi thở của mình thì đó là bước thiết yếu đầu tiên để đánh thức năng lượng tỉnh thức trong tâm. “Với sự tỉnh thức đó, con người sẽ có công năng nhận diện được những gì đang xảy ra và đồng thời sẽ có khả năng trị liệu những bế tắc, khó khăn không chỉ trong tâm mà ngay cả trong thân của mình”, Đức Bhikkhu Sanghasena giảng.

Đại diện cho Trung tâm Ozen cho rằng: “Thiền là một trong những chuyến xe để đưa con người đi từ vòng u mê, qua thức tỉnh tới với giác ngộ”. Hành trình này giúp con người sống an nhiên, yêu thương sâu sắc bản thân và đồng loại nhiều hơn. Điều này được chị Thanh Thảo, một luật sư 30 tuổi, cho biết: “Không hiểu sao, tôi từng cảm thấy chán ghét mọi gười xung quanh. Đến với thiền định giúp tôi hiểu được những khó khăn của mình, hiểu được cảm xúc của bản thân, giúp tôi sống có ý thức hơn và cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn”.

Chanh niem tren dinh Himalaya
Thiền viện Thiksey ở Ladakh mang vẻ đẹp của một “Tiểu Tây Tạng”.

Trong khi đó, Lê Quang, Tiến sĩ Y khoa tại Đại học Tsukuba (Nhật), cho biết, từ ngày đến với thiền anh có nhiều cải thiện tích cực về sức khỏe và tinh thần. “Trước đây, tôi thường bị áp lực căng thẳng bởi công việc và cuộc sống với rất nhiều mục tiêu. Thực hành thiền đã giúp tôi cân bằng và yêu cuộc sống hơn rất nhiều. Tôi muốn tìm hiểu và nghiên cứu thêm giá trị của thiền đối với sức khỏe và tinh thần của con người”, anh cho biết và luôn là người tích cực trong các khóa học thiền tại Ozen.

Nhịp sống hối hả, lệ thuộc nhiều vào máy móc khiến nhiều người quên đi sự hiện diện của hơi thở, của bản thân, cuốn ý thức của mình vào vòng quay hối hả của công việc, kiếm tiền... Những năng lượng xấu phát sinh trong nhịp sống hiện đại này bộc phát thành bệnh tật, thành những suy nghĩ và hành động xấu. Trong trường hợp cụ thể này, thực hành chánh niệm chỉ đơn giản là học cách “có mặt” với hơi thở, với thức ăn, nước uống, quan sát bản thân và những suy nghĩ, đề từ đó tri ân mọi sự hiện diện của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... đã mang lại hạnh phúc cho bản thân.

“Chánh niệm đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu. Chỉ cần dành ra 15 phút mỗi ngày để thực hành thiền. Có nhiều kỹ thuật thiền khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích là biết được tâm thức của mình và thanh tịnh phần tâm thức đó, như xà bông làm sạch cơ thể. Khi đã được phát triển thành thói quen, người thực hành sẽ biết cách ý thức được những hạnh phúc căn bản trong cuộc sống hằng ngày để nâng cao chất lượng cuộc sống”, Đức Bhikkhu Sanghasena giảng.

Món quà quý của cuộc sống

Tác giả bậc thầy Eckhart Tolle là người đứng đầu danh sách bình chọn của 100 nhân vật còn sống có tầm ảnh hưởng tâm linh lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trong cuốn Sức Mạnh Của Tĩnh Lặng, ông cho rằng, khi đánh mất liên lạc với sự im lắng của nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Thiền giúp con người tìm lại sự kết nối với tâm thức, ý thức thật sự về giây phút hiện tại sẽ giúp con người hành động có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội hơn.

Khoa học ngày càng khám phá thiền dưới góc độ phi tôn giáo và khẳng định lợi ích của thiền đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Đến với Trung tâm Mahabodhi International Meditation mùa này có rất nhiều sinh viên, giáo sư từ các trường đại học Đức, Nhật, Malaysia, các Phật tử từ Nepal... Họ tìm hiểu Phật giáo và thực hành thiền như một bài “thể dục” trí não và tâm thức.

Chanh niem tren dinh Himalaya
Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi ở Leh, Ladakh.

Thực tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia như Google và Apple đã hướng nhân viên của mình luyện tập thiền. Tập đoàn Samsung tại châu Á cũng đã phối hợp với Đại học Seoul (Hàn Quốc) để thiết kế chương trình thiền định để giúp hơn 210.000 nhân viên tìm kiếm những cảm xúc tích cực. Lãnh đạo các tập đoàn này cho rằng thiền giúp điều chỉnh cảm xúc, khắc phục lo âu và trầm cảm, tăng khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ, giúp chúng ta tỉnh táo trước mọi vấn đề. Thiền giúp con người làm chủ năng lượng, luôn ở trong tâm thế cân bằng và tỉnh thức để nhận biết mọi chuyện xảy đến với mình và hành xử theo hướng tích cực nhất.

Là một người cởi mở với tất cả các tư tưởng tiến bộ, Đức Bhikkhu Sanghasena cũng rất kính trọng trí tuệ của Thầy Thích Nhất Hạnh. Đức Bhikkhu Sanghasena tán đồng quan điểm của Thầy và cho rằng doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần mang lại cuộc sống an nhiên cho xã hội. Lãnh đạo các công ty không nên đi theo con đường lấy lợi nhuận làm thước đo duy nhất cho sự thành công, mà phải hướng đến môi trường, hướng đến con người.

Anh Vũ Hiền, Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán VNDirect, cho biết: “Tôi có duyên với thiền nên đã gieo duyên thiền cho nhân viên 2 năm nay. Kết quả của thiền mang lại rất tích cực khi nhân viên làm việc đam mê, trách nhiệm hơn, đặc biệt là yêu thương nhau hơn”. Trong chuyến đi Ladakh này, vợ chồng anh chọn mãi mới mua được một chiếc chuông như ý để mang về Công ty như một món quà giúp nhân viên của mình thực hành thiền thêm tịnh tâm. Trong khi đó, đối với vợ chồng doanh nhân Cô Gia Thọ, Công ty Bút bi Thiên Long, những bài giảng pháp của Đức Bhikkhu Sanghasena như món quà quý giá của nghệ thuật sống giúp con người nhận trân được giá trị của cuộc sống, của việc kết nối được tâm thức.

“Hãy trở về với cuộc sống thực tại nhưng bắt đầu bằng niềm vui của thực hành thiền. Bạn sẽ cảm nhận được niềm vui rất đơn thuần nhưng vô cùng sâu sắc của trạng thái an nhiên và sự thiêng liêng, ý nghĩa vô cùng mầu nhiệm của tất cả mọi thứ trong cuộc sống”, Đức Bhikkhu Sanghasena dặn dò những thiền sinh đến từ Việt Nam với một nụ cười như ánh nắng vàng của Ladakh.

Anh Thư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới