Hủy

Chuyện dân tự làm du lịch ở Nam Du

Thứ Ba | 03/11/2015 14:00

Hầu hết các hoạt động tham quan ở Nam Du đều mang tính tự phát, do các hộ gia đình địa phương cung cấp.
 

Kiên Giang là vùng đất nhiều tiềm năng du lịch bậc nhất miền Tây Nam Bộ, gồm huyện đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du và quần đảo Hải Tặc với tổng cộng gần 50 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, quần đảo Nam Du tuy còn khá hoang sơ nhưng đã thu hút được một lượng du khách đáng kể, từ 5.500-6.000 người/tháng, cao điểm có thể lên đến 10.000 người. Điều này đã giúp cho nhiều hộ dân nơi đây thoát được cảnh nghèo nhờ liên kết làm du lịch.

Tiềm năng chưa khai phá

Nam Du là quần đảo nằm phía Đông huyện đảo Phú Quốc, còn khá hoang sơ và sở hữu nhiều cảnh đẹp, cách Rạch Giá khoảng 3 giờ di chuyển bằng tàu cao tốc. Ðặc biệt, chi phí du lịch Nam Du trong 2-3 ngày là khá thấp, từ 1,6-3 triệu đồng. Với những yếu tố đó, Nam Du đang trở thành một điểm du lịch ngắn ngày lý tưởng.

Sự hút khách của Nam Du cũng mang đến cơ hội cho các hãng vận chuyển. Nếu như trước đây chỉ có doanh nghiệp vận tải Ngọc Thành khai thác tuyến tàu cao tốc Rạch Giá - Nam Du, thì gần đây đã có thêm Superdong tham gia khai thác. Ðộng thái này còn tạo điều kiện cho các công ty lữ hành chủ động mở tour tham quan quần đảo Nam Du, góp phần thu hút thêm du khách du lịch đến đây.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào chính thức đầu tư khai thác du lịch tại quần đảo hoang sơ này. Hầu hết các hoạt động tham quan nơi đây đều mang tính tự phát, do các hộ gia đình địa phương cung cấp. Ví dụ, khi tàu cập cảng, du khách sẽ được các chủ nhà trọ đón tận nơi nhờ liên hệ trước qua điện thoại hoặc internet. Chủ nhà trọ sau đó sẽ liên hệ với các hộ có tàu du lịch, tàu đánh cá, kinh doanh ăn uống hoặc có xe gắn máy cho thuê để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Có cả những hộ kinh doanh cá thể tự phát triển tour du lịch trọn gói để phục vụ khách.

Ngoài ra, những gia đình sở hữu tàu đánh cá riêng còn mở dịch vụ cho du khách tá túc tại nhà, dùng cơm gia đình, tham quan bằng tàu cá và làm hướng dẫn viên cho khách. Mỗi tháng, thu nhập của các hộ kinh doanh như vậy có thể lên đến con số chục triệu đồng.

Gần đây, do giá đất còn thấp nên những hộ dân ở Nam Du có tiền nhàn rỗi đã đầu tư xây thêm khá nhiều nhà trọ, nhà nghỉ ven biển để phục vụ du khách. Kinh doanh du lịch góp phần nâng cao mức sống của người dân là điều đáng mừng. Nhưng nếu trong thời gian tới, các nhà quản lý không can thiệp vào việc khai thác du lịch tại khu vực này thì chính người dân sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi.

Nguy cơ từ sự tự phát

Có một thực tế rằng dù chưa được quy hoạch đồng bộ, nhưng hoạt động du lịch do người dân Nam Du tự phát triển vẫn mang lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu thiếu sự quản lý.

Ðầu tiên là vấn đề an toàn. Do kinh doanh tự phát nên các hộ gia đình hiếm khi đầu tư các trang thiết bị bảo hộ cho du khách. Các tàu cá tham gia đưa hàng chục khách tham quan đảo, nhưng trên tàu chỉ có vài áo phao cũ dành cho chủ tàu và gia đình. Hiểm họa tai nạn là khá rõ ràng.

Khả năng xử lý rác thải cũng là bài toán mà ngành du lịch địa phương phải giải quyết. Do chưa có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp, người dân Nam Du vẫn phải tiêu hủy rác bằng cách đốt, dẫn đến ô nhiễm môi trường và thậm chí là cháy rừng.

Trong lịch trình tham quan Nam Du, du khách hiện cũng không bị ngăn cản khi tìm cách đục lấy san hô. Nếu không có chính sách hướng dẫn và quản lý cụ thể, chắc chắn hệ sinh thái nguyên sơ ở Nam Du sẽ bị tổn hại.

Do chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện và nước ở Nam Du vẫn còn nhiều hạn chế. Ðiện chỉ được cấp theo khung giờ từ 8h30 - 13h30 vào buổi sáng và 15h30 - 23h00 buổi chiều tối. Nước sạch thì phải nhờ vào trạm bơm giếng khoan. Bên cạnh chính sách, yếu tố hạ tầng chưa đủ đáp ứng nhu cầu khai thác du lịch quy mô lớn là một lý do khiến các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà với Nam Du. Nhưng dù doanh nghiệp không tham gia khai thác thì người dân vẫn sẽ tiếp tục việc kinh doanh tự phát. Mô hình nhỏ lẻ của họ có thể thỏa mãn phần nào sở thích khám phá của du khách, đồng thời cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Về lâu dài, sự thiếu quản lý sẽ tiềm ẩn những khó khăn trong quản lý trật tự, an ninh địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đối với các doanh nghiệp, nếu chưa đủ tiềm lực để tự đầu tư khai thác, có thể tìm cách kết hợp với các hộ dân ở Nam Du để chuẩn hóa các hoạt động du lịch, gia tăng niềm tin cho du khách và hiệu quả kinh tế cho địa phương. Xã hội hóa du lịch là cần thiết, nhưng hoạt động tự phát và thiếu quản lý sẽ là lợi bất cập hại.

Hoàng Quân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới