Sống xanh trong nhà gỗ
Những đột phá trong việc ứng dụng công nghệ gỗ ép tấm lớn (Cross Laminated Timber - CLT) đã cho phép con người tạo dựng những tòa nhà cao tầng thân thiện với môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, mức độ an toàn cao. Đáng chú ý, vật liệu chính của những công trình này hoàn toàn làm bằng gỗ.
Mr Lee, ông chủ công ty xây dựng, thiết kế Te Feng Lumber, Đài Loan khởi nghiệp từ những năm 1945. Thời điểm đó, ông kiếm sống tốt với việc phát triển những công trình dân dụng. Ngày 24.2.2003, trận động đất lịch sử khiến hơn 260 người chết và gần 10.000 căn nhà sập ở khu vực Tân Cương, miền Tây Trung Quốc là một ấn tượng kinh khủng với Mr Lee. Nó buộc ông suy nghĩ lại con đường kinh doanh của mình và từ bước ngoặt này, ông trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng CLT, vẫn là tạo nên những công trình dân dụng nhưng chỉ dùng gỗ làm vật liệu chính. “Thời gian đầu, khách hàng từ chối nhưng nay, câu chuyện đã khác. Hai năm trở lại đây, chúng tôi ngập trong đơn hàng”, Mr Lee chia sẻ.
Không chỉ có Te Feng Lumber, câu chuyện ngập trong đơn hàng là của chung những đơn vị thi công nhà gỗ trên toàn thế giới. Stan Chiao, Giám đốc sản phẩm, Công ty Woodtek, Đài Loan cho biết, từ năm 1996 đến nay, Woodtek đã triển khai hơn 25.000 dự án tòa nhà bằng gỗ, được định danh là những tòa nhà xây dựng theo công nghệ CLT. Đây là những tòa nhà cao, có thể lên đến hơn 100 tầng, sử dụng gỗ thay cho bê tông, cốt thép hiện nay.
Theo Stan Chiao, với các tiến bộ mới về công nghệ chế biến gỗ như công nghệ cắt chính xác cao CNC, công nghệ ghép gỗ finger joint... việc sử dụng gỗ làm thành phần chính chịu tải để xây dựng các tòa cao ốc hàng chục tầng đã không còn là điều xa lạ. CLT cho phép nhà xây dựng có được những bề mặt vững chắc do gỗ đã được qua quá trình cán, đặt các lớp sợi gỗ liên kết bằng các chất kết dính chuyên dụng. Kết nối giữa các bề mặt gỗ lớn để tạo nên các không gian là đinh thép nhưng tỉ lệ vật liệu này chiếm con số rất nhỏ.
Các bề mặt gỗ CLT được chế tạo tương ứng với thiết kế công trình. Nhờ vậy, làm tăng tốc độ xây dựng, giảm chất thải và các yếu tố gây khó chịu trong công trường. Đặc biệt so với bê tông cốt thép, các cấu kiện gỗ rất dễ sửa chữa và trong trường hợp cần tháo dỡ nhà cửa thì có thể tái sử dụng, chỉ cần chỉnh sửa rất ít. Ông Paul Kremer, giám đốc bán hàng Xlam, đơn vị thi công các tòa nhà gỗ nổi tiếng nhất hiện nay trên thị trường quốc tế, cho biết thêm, nguyên liệu gỗ là vật liệu tái tạo, có thể được sản xuất trong các rừng trồng và khai thác hợp pháp nên xu hướng xây dựng tòa nhà CLT giúp giải quyết nhiều vấn đề từ bảo vệ rừng nguyên sinh đến các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.
Nếu so sánh, có thể thấy, trong khi mỗi tấn thép được sản xuất thải ra môi trường 1,5 tấn CO2, mỗi tấn xi măng thải ra 1,125 tấn CO2 thì mỗi tấn sinh khối gỗ hình thành lại giúp hấp thụ 1,42 tấn CO2. Chưa kể, nhà cao tầng bằng gỗ còn thể hiện tính ưu việt về mỹ thuật. Nhờ những ưu điểm này mà trong 10 năm trở lại đây, các chủ đầu tư chọn CLT ngày càng nhiều.
Đơn cử như tòa nhà Wood Innovation Design Center ở Canada; Bskyb Believe In Better Building ở London, Anh; K5 Building Brisbane ở Úc... Ông Paul Kremer cho biết: “Riêng ở New Zealand, hơn 400 công trình nhà cao tầng bằng gỗ đã đưa vào sử dụng thời gian qua. Tại các quốc gia tiên tiến như Anh, Mỹ, Canada, Nhật..., câu chuyện cũng tương tự. Xu hướng sống xanh, sử dụng CLT để góp phần bảo vệ môi trường không chỉ là lựa chọn của các chủ tòa nhà mà còn của người dùng cuối”. Ông nhấn mạnh: “Đã có thống kê chi tiết, công trình CLT có thể tiết giảm 130% thời gian so với giải pháp bê tông cốt thép. Con số này là một khoản tiết kiệm không nhỏ cho chủ đầu tư”.
Kengo Kuma là một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng quan trọng trong kiến trúc đương đại Nhật và có những dự án ảnh hưởng đến thế giới. “Tôi tin rằng bê tông và thép là những vật liệu của thế kỷ trước, còn nguyên liệu chính cho thế kỷ XXI sẽ là gỗ”, ông cho biết về triết lý thiết kế của mình. Ngày nay có thể nhìn thấy hàng loạt dự án của Kengo Kuma gắn liền với gỗ, không chỉ tạo ra kết cấu cho cả ngoại thất mà còn nội thất của tòa nhà, từ nhỏ đến lớn. Chẳng hạn cửa hàng bánh Tokyo, quán cà phê Starbucks, Bảo tàng Nghệ thuật Suntory ở Tokyo, khách sạn Garden Terrace Nagasaki, SunnyHills, Trung tâm cộng đồng Towada... Kiến trúc sư Kuma tin rằng các tòa nhà bằng gỗ và các tòa nhà bê tông hoàn toàn khác nhau, không chỉ là vật liệu thiết yếu mà còn là cuộc sống bên trong của tòa nhà rất khác biệt.
Theo ông Paul Kremer, không chỉ hướng đến yếu tố gìn giữ môi trường, một phép so sánh khác cũng cho thấy, việc ứng dụng gỗ tốt hơn rất nhiều về mặt kinh tế. Thời gian thi công một tòa nhà, sau khi đã có thiết kế và nguyên vật liệu chỉ tầm 2 tháng, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho chủ đầu tư. Nếu so với bê tông, cốt thép, công trình chỉ có thể bảo hành trong thời gian 60 năm nhưng các tòa nhà CLT cho phép bảo hành đến 80 năm. Thực tế chứng minh, sau những thảm họa sóng thần, động đất... các công trình CLT ít hư hại hơn, khả năng sửa chữa phục hồi cao hơn hẳn giải pháp hiện nay.
Gỗ dễ cháy hơn bê tông nhưng gỗ ép tấm lớn CLT được làm từ gỗ khô dán, có khả năng chịu lửa và chắc hơn đáng kể so với gỗ thông thường. Gỗ nặng nên khi cháy vì chúng tạo thành than ở bên ngoài trong khi vẫn giữ được độ rắn chắc bên trong. Độ rắn này làm chậm quá trình đốt cháy, giúp người có thời gian di chuyển khỏi tòa nhà nhiều hơn so với bê tông. Như vậy, rõ ràng, giải pháp này có tính an toàn cao.
“CLT đã được chứng minh sẽ là vật liệu xây dựng của tương lai không xa. Không chỉ dừng lại ở công trình cao ốc, xu hướng xây dựng CLT, ứng dụng gỗ trong xây dựng sẽ tiếp tục phát triển, ứng dụng trong nhà ở vì sự đột phá và hiệu quả kinh tế của nó. Hiện Trung Quốc và Nhật đang đứng đầu xu hướng xây dựng nhà ở theo công nghệ CLT”, Mr Lee khẳng định
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Quyên Nhi