Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Nhà đầu tư nước ngoài đang nghĩ gì?

Ông Huang Bo, Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) Thứ Tư | 21/06/2023 17:22

Ông Huang Bo, Giám đốc Điều hành Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam). Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài chính.

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển với GDP sẽ tăng trưởng khoảng 7% hàng năm trong một thập kỷ tới.
 

Thúc đẩy đầu tư công rất quan trọng 

Hiện nay, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước đang dần hạ nhiệt, FED cũng đã tạm dừng tăng lãi suất. Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 5 đã giảm xuống còn 4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Hiện nay có một số dấu hiệu tích cực cho thấy lạm phát toàn cầu đang giảm dần và lãi suất không còn tăng mạnh nữa cũng như đồng USD sẽ không còn mạnh như năm ngoái. 

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Huang Bo, Giám đốc Điều hành Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) cho rằng đây là một điều kiện rất quan trọng để hỗ trợ dòng vốn quốc tế trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam cũng như giúp thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với thách thức mới, đó là suy thoái kinh tế. Ví dụ như ở Mỹ, dấu hiệu suy thoái là một trong những yếu tố khiến FED giảm tốc độ tăng lãi suất, mặc dù lạm phát vẫn đang cao hơn so với mục tiêu.

 

Theo ông Huang Bo, nền kinh tế mở của Việt Nam mặc dù có sự chậm lại do nhu cầu toàn cầu yếu đi, tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức tích cực. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế như giảm lãi suất 4 lần, giúp gia hạn nợ cho ngành bất động sản hay thúc đẩy đầu tư công. 

“Nếu Việt Nam có thể giải quyết các điểm nghẽn trong tương lai gần, khả năng cao có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra”, ông Huang Bo nói. 

Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn, việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng, trong 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 20% kế hoạch. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Các yếu tố khác như chi tiêu tiêu dùng vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong năm nay. Do đó, yếu tố này cũng sẽ tạo nền tảng tốt cho kinh tế trong phần còn lại của năm 2023.

Khối ngoại bán ròng do đâu? 

Với những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán cũng đang phục hồi tích cực. Tuy nhiên, khối ngoại lại có động thái bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. 

 

Đánh giá về tình trạng này, ông Huang Bo cho rằng trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài tập trung mua vào giai đoạn thị trường gặp áp lực điều chỉnh sâu, vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có sự phục hồi ấn tượng, tăng hơn 25 % so với vùng đáy. Vì thế, trong ngắn hạn, nhiều nhà đầu tư có thể đã thu được lợi nhuận tốt và áp lực chốt lời diễn ra ở các quỹ ETF cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, nếu nhìn về dài hạn, chỉ số P/E của thị trường hiện khoảng 13,7 lần, P/B  là 1,7 lần. Nếu so với mức P/E trung bình trong 10 năm qua là 15 lần và P/B 2,2 lần thì mức định giá thị trường hiện vẫn đang hấp dẫn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần cắt giảm lãi suất sẽ giúp dòng vốn chảy vào thị trường và dữ liệu lịch sử cho thấy giá trị thị trường chứng khoán thường tăng trong các giai đoạn như vậy.

Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế ở các nước khác, Việt Nam sẽ gặp một số tác động nhưng được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng. Năm 2023, dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,8% và tăng tốc lên 6,9% trong năm 2024 và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, nhanh hơn cả Ấn Độ và Philippines. 

Và trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam được coi là một quốc gia trẻ và đông dân với hơn một trăm triệu dân, độ tuổi trung bình chỉ 33 tuổi, đồng thời với hơn 3.200 km bờ biển là lợi thế địa lý lớn trong thương mại nhập khẩu và xuất khẩu. Hiện tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang là 38%, thấp hơn so với các nước đang phát triển khác như 52% của Thái Lan và 62% của Trung Quốc. 

“Với tất cả các con số và bối cảnh này, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển với GDP sẽ tăng trưởng khoảng 7% hàng năm trong một thập kỷ tới”, ông Huang Bo nói. 

Có thể bạn quan tâm 

Trong suy thoái chỉ nên mua khi giá chiết khấu về vùng hấp dẫn

Nguồn Theo Talkshow Phố Tài chính


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới