Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Suy thoái cũng không quá đáng sợ

Ông Trần Thăng Long, Chứng khoán BSC Thứ Ba | 27/06/2023 17:22

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BSC. Ảnh: PV.

Các quốc gia sẽ không đi theo một chu trình giống hệt nhau, nhưng về cơ bản suy thoái đã diễn ra ở một số quốc gia rồi.
 

Nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế trên thế giới thay vì lo lắng về lạm phát và lãi suất thì cần tính đến khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, cụm từ “suy thoái” không chỉ xuất hiện trong năm nay mà từ năm 2022 chúng ta bắt đầu nghe thấy rất là nhiều.

 

“Chúng ta hình dung một cách đơn giản, suy thoái là một thuật ngữ chỉ một khoảng thời gian mà tăng trưởng chậm hoặc tăng trưởng suy giảm của nền kinh tế. Và suy thoái cũng không quá đáng sợ vì nó cũng là một phần của một chu kỳ. Theo định nghĩa khi tăng trưởng âm liên tiếp hai quý hoặc là tăng trưởng chậm lại so với mức trung bình trong vòng khoảng hai quý thì phần nào đó nền kinh tế đã đi vào khu vực suy thoái nhẹ”, ông Long nói. 

Theo ông Long, ở châu Âu các quốc gia như Anh, Đức đã ở pha suy thoái rồi, một số nền kinh tế lớn như Mỹ thì họ vẫn đang ở giai đoạn chu kỳ tăng trưởng kinh tế chậm cuối cùng trước khi chuyển sang giai đoạn là có suy thoái hay không. Còn một trong số những nền kinh tế lớn nhất như Trung Quốc thì họ đã vượt qua suy thoái và đang bước vào một chu kỳ phục hồi mới. “Như vậy các quốc gia sẽ không đi theo một chu trình giống hệt nhau, nhưng về cơ bản suy thoái đã diễn ra ở một số quốc gia. Nhưng một số quốc gia đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi”, ông Long nói thêm. 

Nhìn nhận tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có sự phản ứng đi trước, hạ lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Đánh giá về dư địa giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, ông Long cho hay trước khi có đợt tăng lãi suất do sức ép tăng lãi suất trên toàn cầu thì lãi suất điều hành của Việt Nam khoảng 4%. Và hiện tại, mức lãi suất của chúng ta đang rơi vào khoảng 4,5%, thì chúng ta vẫn còn dư địa cho đợt giảm tiếp theo. 

 

“Nhưng tôi nghĩ rằng đợt giảm tiếp theo chúng ta sẽ cần nhiều thời gian hơn, để những người làm chính sách ước tính mức độ ảnh hưởng của các chính sách lãi suất vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, để có một mức độ điều tiết phù hợp”, ông Long nói. 

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Long đánh giá năm 2022 chúng ta gần như là thị trường giảm mạnh nhất trong số các chỉ số được theo dõi với mức độ giảm khoảng 33%. Mức độ phục hồi từ đầu năm cho đến thời điểm này thì loanh quanh khoảng 10% nằm ở mức độ phục hồi bình thường. Các quốc gia châu Âu đã đi vào kì suy thoái rồi và thị trường chứng khoán của họ thì tăng trưởng không chỉ là 10% mà trung bình khoảng 13%, đặc biệt là những quốc gia như Đức tăng trưởng hơn 20% hay chứng khoán Nhật Bản thì cũng tăng trưởng đến 27%, ở Mỹ cũng tăng trung bình khoảng 20%, chỉ số Nasdaq thì tăng trưởng khoảng 30% và gần như đã xóa hết phần lớn mức giảm điểm của năm ngoái. 

Ông Long cho rằng thị trường Việt Nam chúng ta có tăng trưởng khá tốt, từ đầu năm đến nay thì mức tăng điểm trung bình của thị trường chứng khoán khi so với các thị trường khác thì thực sự cũng chưa phải là nhiều, nên từ giờ cho đến cuối năm và thậm chí là năm sau chúng ta vẫn còn về kỳ vọng nhất định cho việc tăng điểm của thị trường. Điều này dựa trên cơ sở các chính sách của chúng ta về mặt tiền tệ, về mặt tài khóa đều đang hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều hơn.Thứ hai là đối với các nhà đầu tư thì họ đã bắt đầu dần dần tự tin vào thị trường và có xu hướng trở lại. 

(*) Bài viết được trích dẫn từ chia sẻ của ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) tại Talkshow Phố Tài Chính.

Có thể bạn quan tâm 

Lãi suất tiết kiệm 8% “mất hút” trên thị trường


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới