Hủy
Tài Chính

Lạm phát đã đỉnh chưa?

Kim Anh Thứ Tư | 27/07/2022 10:23

Lạm phát đang trở thành từ khóa để nói về thách thức chung đối với nền kinh tế trên toàn cầu. Ảnh: TL.

Lạm phát các nước đã duy trì ở mức cao trong thời gian khá dài, liệu rằng nó đã tạo đỉnh hay chưa?.
 

Lạm phát chạm đỉnh? 

Lạm phát đang trở thành từ khóa để nói về thách thức chung đối với nền kinh tế trên toàn cầu, mức lạm phát cao nhất trong hàng chục năm qua đã tác động tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Từ cắt tóc tới mua sắm ô tô, nhà mới, kể cả là bữa ăn hàng ngày đều tăng giá, buộc các gia đình phải tính toán lại các chi tiêu. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát tại nhiều nước trong tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục. Các nước khu vực đồng Euro, chỉ số lạm phát tăng 8,1%. Tại châu Á, lạm phát Thái Lan tăng 7,1%, Hàn Quốc tăng 5,4%. Đặc biệt, lạm phát tại Mỹ tính đến tháng 7/2022 đã tăng cao chưa từng có là 9,1%. Với nỗ lực kiềm chế lạm phát, FED đã hai lần tăng lãi suất với tổng mức tăng 75 điểm cơ bản và sẽ dự kiến còn tăng từ nay đến cuối năm. Trước tình hình đó, Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng tốt với mức lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2022 trong tổng tầm kiểm soát là 2,44%. Với những mức cao kỷ lục như vậy, liệu rằng lạm phát đã đạt đỉnh hay chưa? 

Các diễn giả trong chương trình Talkshow Phố Tài Chính (bà Hằng Nga (bên phải)). Ảnh chụp màn hình.
Các diễn giả trong chương trình Talkshow Phố Tài Chính (bà Hằng Nga (bên phải)). Ảnh chụp màn hình.

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng lạm phát cũng đã duy trì ở mức cao trong một thời gian khá dài, nhu cầu cũng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm xuống. Gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng. Chính vì thế mà nhu cầu cũng đã bắt đầu giảm, ví dụ như chỉ số Bloomberg Commodity Index, phản ánh giá cả của khoảng 20 cái loại hàng hóa cơ bản nhất từ giữa tháng 6 đến nay đã giảm đi khoảng 15 % so với mức đỉnh. Hay là giá xăng dầu ở Mỹ thì cũng đã giảm khoảng 10%. “Kết hợp các yếu tố đó thì tôi nghĩ là lạm phát có thể đã bắt đầu lập đỉnh và có thể bắt đầu giảm từ tháng 7 tới. Tuy vậy, cũng cần phải cẩn trọng với giá xăng dầu, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào ảnh hưởng của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Tôi nghĩ là mùa đông sắp tới sẽ là một cái câu hỏi rất là lớn”, bà Nga nói. 

 chỉ số Bloomberg Commodity Index, phản ánh giá cả của khoảng 20 cái loại hàng hóa cơ bản nhất. Ảnh: Investing.com
Chỉ số Bloomberg Commodity Index, phản ánh giá cả của khoảng 20 cái loại hàng hóa cơ bản nhất. Ảnh: Investing.com

Cũng chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp cho rằng kể từ giữa tháng 5 trở đi, giá của các mặt hàng năng lượng đã bắt đầu có xu hướng giảm lại, đã có lúc là dưới 100 USD/thùng. Lý do nữa là nhiều nhà phân tích cũng không nghĩ rằng giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa, bởi vì là ở mức giá dầu như thế này thì các công ty sản xuất dầu và khai thác dầu cũng đã có một biên lợi nhuận khá tốt rồi. Thêm vào đó, ông Trí cho rằng việc lo ngại suy thoái kinh tế có thể xảy ra đã khiến cho lượng nhu cầu dầu trên thế giới suy giảm, từ đó góp phần làm giảm áp lực lạm phát. 

Triển vọng kinh tế toàn cầu suy giảm 

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tại thời điểm tháng 6/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sau hơn 2 năm đại dịch cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, giảm 1,2 điểm % so với dự báo đưa ra vào tháng 1/2022. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm % so với dự báo tháng 1/2022. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm % so với dự báo trong tháng 12/2021. 

 

Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế toàn cầu hiện được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, đánh dấu mức điều chỉnh giảm 0,9 điểm % so với dự báo được công bố vào tháng 1/2022. WB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng của Mỹ năm 2022 dự báo đạt 2,5%, giảm 1,2 điểm % so với dự báo trong tháng 1/2022; Khu vực đồng Euro chỉ đạt 2,5%, giảm 1,7 điểm %; Nhật Bản đạt 1,7%, giảm 1,2 điểm %; Trung Quốc đạt 4,3%, giảm 0,8 điểm %. Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,0%, Philippines đạt 6,0%, Thái Lan đạt 3,0%, Singapore đạt 4,3%, Malaysia đạt 6,0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%.

Có thể bạn quan tâm:

Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?

Gọi tên các cổ phiếu “trú bão" lạm phát


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới