Hủy
Tài Chính

Những "dấu ấn" nổi bật của ngành ngân hàng năm 2021

Thùy Linh Chủ Nhật | 16/01/2022 19:00

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: SBV

Trong năm 2021, ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
 

Năm 2021 với những khó khăn, thách thức mới chưa từng có, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, chủ động bám sát tình hình, tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Trong năm 2021, ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả nổi bật. 

1. Điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

 

2. Điều hành các giải pháp tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng

3.Triển khai quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, như việc đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ,…

4. Công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục dược triển khai quyết liệt, hiệu quả. Các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được. 

5. Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân.

6. Công tác cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh. Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành hoạt động ngân hàng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; góp phần tăng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam. 

 

7. Công tác truyền thông, các chủ trương, giải pháp điều hành của NHNN được truyền tải một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời, tạo sự đồng thuận của dư luận, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với ngành ngân hàng.

8. Công tác an sinh xã hội. Tính từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đã dành hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ triển khai các hoạt động an sinh xã hội trên toàn quốc. Riêng công tác phòng, chống COVID-19, ngành ngân hàng đã ủng hộ hơn 3.500 tỉ đồng với nhiều chương trình ý nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: ủng hộ Quỹ phòng chống vắc xin của Chính phủ hơn 700 tỉ đồng, ủng hộ 250 tỉ đồng cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”…

Định hướng năm 2022 của ngành ngân hàng 

Bước sang năm 2022, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ,  Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Theo đó:

(i) Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

(ii) Điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. 

(iii) Điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh.

(iv) Triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt;

(v) Thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động ngân hàng và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tập trung triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phối hợp các bộ, ngành triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)...


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới