Hủy
Tài Chính

PNJ đón đầu làn sóng hồi phục

Vũ Hoài Thứ Ba | 03/11/2020 07:30

Hình ảnh tại cửa hàng của PNJ. Ảnh: Quý Hòa.

Sau giai đoạn khó khăn vì COVID-19, PNJ đang cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực.
 

Trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều cửa hàng, nhà máy đã phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh trong những quý đầu năm 2020.

Thời điểm khó khăn nhất đã qua 

Trước làn sóng COVID-19 tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng chịu tác động không nhỏ. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2020 lần lượt giảm còn 2.270 tỉ đồng và 32 tỉ đồng, tương đương giảm 7,2% và 81,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do 22 ngày giãn cách xã hội trong tháng 4.2020.

 

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Công ty đã khởi sắc trong quý III/2020, đặc biệt là trong tháng 9. Quý III vừa qua, PNJ đạt hơn 3.900 tỉ đồng doanh thu thuần và hơn 202 tỉ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 0,3% và 2,8% so với cùng kỳ.

Doanh thu từ mảng bán lẻ đã cải thiện mạnh mẽ trong tháng 9, đạt tốc độ tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với hoạt động kinh doanh của Công ty khi doanh thu từ mảng bán lẻ đã tăng trở lại sau mức giảm hơn 7% của tháng 8.2020.  

Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo PNJ, tuy tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong tháng 9 đạt được chủ yếu do giá vàng tăng (tăng khoảng 30% so với 1 năm trước), số lượng giao dịch cũng đã phục hồi về mức cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI (SSI Research), sự phục hồi như vậy có thể là do một vài yếu tố như nhu cầu về trang sức cưới bị dồn nén do đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên. Cùng với đó là nhu cầu bị dồn nén ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên..., nơi các cửa hàng phải đóng cửa vào tháng 8 khi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 xảy ra. Và cuối cùng, nhóm khách hàng mục tiêu của PNJ là những người có thu nhập trung bình có nguồn thu nhập khả dụng ổn định hơn.

SSI Research cho rằng yếu tố sau cùng có tầm quan trọng cao nhất, vì mảng bán buôn của PNJ (tập trung vào nhóm khách hàng có nguồn thu nhập thấp hơn) vẫn chưa phục hồi, chứng tỏ nhu cầu bị dồn nén có thể không đáng kể và không bền vững. 

Ảnh: Quý Hòa.
Với kỳ vọng PNJ có thể tiếp tục mở rộng thị phần trong năm 2021, SSI Research nâng P/E mục tiêu cho PNJ lên 16x. Ảnh: Quý Hòa.

Nắm bắt nhu cầu phục hồi sau đại dịch  

Theo đánh giá của SSI Research, PNJ có nhiều lợi thế để sẵn sàng cho đà khởi sắc sau dịch COVID-19. Cụ thể, trong khi các công ty cùng ngành (Precita, Thế Giới Kim Cương) và nhiều cửa hàng tư nhân/nhỏ lẻ đã đóng cửa hoặc giảm quy mô (ở cả 2 khâu sản xuất và bán hàng), PNJ nhờ vào vị thế tài chính an toàn hơn đã vượt qua khó khăn và chỉ đóng cửa một số ít cửa hàng.

 

Đồng thời, PNJ cũng tiếp cận các vị trí cửa hàng tốt hơn để sẵn sàng nắm bắt nhu cầu phục hồi sau đại dịch. “Đà khởi sắc sớm hơn dự kiến đã mang lại lợi ích tức thì cho PNJ và nhờ đó, Công ty đã tiếp tục mở rộng thị phần trong khi các công ty cùng ngành vẫn đang gặp khó khăn”, SSI Research đánh giá.

Cũng theo SSI Research, việc mở rộng nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, cùng với sự dịch chuyển mang tính tự nhiên của nhu cầu đối với trang sức được thiết kế hiện đại sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho PNJ trong dài hạn khi Công ty có vị thế dẫn đầu giữa lúc toàn ngành trang sức gặp khó khăn (hoặc mất khá nhiều thời gian để phục hồi).

Với kỳ vọng PNJ có thể tiếp tục mở rộng thị phần trong năm 2021, SSI Research nâng P/E mục tiêu cho PNJ lên 16x. Theo đó, SSI Research đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 1 năm là 78.100 đồng/cổ phiếu.

Đánh giá diễn biến chung của thị trường chứng khoán, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ duy trì xung lực tăng nhờ sức mạnh nội tại trong nước được cải thiện đi kèm với các chính sách hỗ trợ vốn có lợi cho thị trường chứng khoán.

Trong ngắn hạn, ông Viễn đánh giá các nhóm ngành dẫn dắt như tài chính, ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách kích thích kinh tế và làn sóng chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam.

Các nhóm ngành liên quan đến bán lẻ, xuất khẩu, tiêu dùng cũng được kỳ vọng dần phục hồi nhờ tiêu dùng trong nước cải thiện và hoạt động xuất khẩu khởi sắc nhờ thương mại toàn cầu gia tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế và hiệu ứng tích cực từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) .
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới