Hủy
Tài Chính

Kịch bản nào cho lãi suất cơ bản tháng 4?

Thứ Hai | 22/03/2010 22:10

 
 
Trong khi thị trường có những dấu hiệu đáng lo ngại, các thông tin phát đi từ Ngân hàng Nhà nước lại tỏ ra lạc quan. Vậy liệu Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh lãi suất cơ bản tháng 4?

Năm 2010 là năm Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực như lạm phát gia tăng, mà lại phải vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa hạn chế tăng trưởng tín dụng nóng… Trước những mối lo ngại này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra kịch bản nào cho lãi suất cơ bản tháng 4.2010?

6 lý do bắt buộc điều chỉnh

Một là mất cân đối cung cầu vốn: Trong 2 tháng đầu năm, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã giảm 0,17% so với cuối năm 2009 trong khi tổng dư nợ cho vay tăng 1,4%. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mất cân đối giữa cung cầu vốn. Như vậy, khả năng điều chỉnh lãi suất là rất cao. Việc xóa bỏ trần lãi suất và chuyển sang cơ chế lãi suất thỏa thuận được xem là hành động đầu tiên của quá trình này.

Hai là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế: Đó là tăng cung tiền để kích thích tăng trưởng. Khi nào lượng cung tiền chưa tăng thì việc đi vay vẫn còn khó khăn. Để thu hút người gửi tiền, các ngân hàng đã áp dụng các hình thức khuyến mãi, thưởng lãi suất. Trong khi đó, để giảm áp lực chi phí đầu vào, các ngân hàng đã cộng thêm phí dịch vụ khi cho vay. Do đó, cần tháo dỡ trần lãi suất để khai thông dòng vốn.

Ba là áp lực lạm phát: Số liệu CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 3.2010 phải tính thêm 5 ngày của tháng 2, do việc tính số liệu CPI tháng 2 phải chốt trước Tết Nguyên đán (ngày 10.2). Một số ngành đã chịu ảnh hưởng ngay từ việc tăng giá điện, gas, thép từ ngày 1.3. Tất cả những điều này sẽ đẩy giá cả tiêu dùng lên cao.

Bốn là yếu tố tiêu dùng: Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) đã tăng tới 17,9%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Khi tiêu dùng vượt tăng trưởng thì sẽ kéo giá tăng.

Năm là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng năm 2009: Tăng trưởng tín dụng đạt mức cao nhất vào tháng 11.2009 và thường sẽ có một độ trễ giữa chỉ số CPI và mức cung tiền. Nếu việc này lặp lại thì lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Sáu là sự hạn chế của các công cụ: Các công cụ của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, tỉ lệ dự trữ bắt buộc không còn dư địa để áp dụng. Một phần là do các ngân hàng thương mại còn rất ít giấy tờ có giá. Mặt khác, tỉ lệ dự trữ bắt buộc đang ở vùng an toàn tối thiểu, nên việc hạ thêm tỉ lệ dự trữ là quyết định mạo hiểm. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn bơm qua thị trường mở đã giảm xuống kể từ đầu tháng 3 đến nay. Tín hiệu này nghiêng về giả thuyết các ngân hàng thương mại thiếu giấy tờ có giá hơn là thừa vốn khả dụng.

Như vậy, với việc áp lực thị trường tăng, công cụ điều chỉnh kỹ thuật hạn chế, giải pháp tăng lãi suất cơ bản có lẽ là phù hợp hơn cả.

5 lý do không điều chỉnh

Một là các địa phương đã làm tốt công tác kiềm chế lạm phát thông qua việc ổn định giá cả: Các đầu tàu kinh tế không còn là đầu tàu về tăng giá khi CPI của TP.HCM tháng 2 (1,68%) thấp hơn mức tăng CPI bình quân tháng 2 cả nước (1,96%).

Hai là việc kiểm soát giá cả cũng đã được các ngành triển khai đồng bộ: Bộ Công Thương công khai cách tính giá xăng dầu. Bộ Tài chính thì đe dọa sẽ tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch từ việc tăng giá, tước phép kinh doanh... nhằm làm giảm các hành vi đầu cơ và ý định tăng giá. Các “quả đấm thép” cũng được tung ra, thể hiện qua cam kết giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty vào ngày 10.3. Giá các mặt hàng xăng dầu, xi măng, sắt thép nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Tất cả những điều này sẽ mang lại kết quả cụ thể về kinh tế và góp phần ổn định tâm lý người dân, từ đó tác động tích cực lên CPI.

 

Ba là cơ cấu CPI: Giá lương thực thực phẩm, mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu CPI, không những không tăng mà còn giảm. Thông tin giá lúa đang giảm và Chính phủ phải chỉ đạo các địa phương, các ngành hỗ trợ thu mua lúa cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã củng cố niềm tin rằng CPI bình quân sẽ khó tăng cao.

Bốn là áp lực từ tỉ giá đã giảm xuống: Thị trường ngoại hối đã bớt căng thẳng sau khi Ngân hàng Nhà nước thực thi các biện pháp mạnh như hạ lãi suất, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, mua lại ngoại tệ của các tập đoàn. Điều này đã phần nào xoa dịu mối lo ngại thâm hụt thương mại sẽ tạo sức ép lên tỉ giá.

Năm là nguồn gốc tăng giá: Giá tăng chủ yếu ở khâu bán lẻ, có nguồn gốc từ cầu kéo của dịp Tết, chứ không phải do chi phí đẩy.

Như vậy, các nhân tố góp phần cho kịch bản “không tăng lãi suất” chỉ là những biểu hiện tạm thời. Còn việc tăng lãi suất gần như là tất yếu do hệ quả của chính sách tiền tệ năm 2009. Các nỗ lực quản lý chỉ giúp hãm phanh mà thôi.

Và những bất hợp lý

Thị trường đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Đó là đường cong lãi suất đang bị duỗi thẳng, với việc áp dụng đồng lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Việc lách luật bằng giải pháp “24 giờ định mệnh” để chuyển từ cho vay ngắn hạn (365 ngày) sang cho vay dài hạn (hơn 365 ngày) chỉ là để hợp pháp hóa các khoản chi phí huy động chứ thực chất không làm tăng vốn huy động. Hơn nữa, việc ràng buộc 30% vốn cho vay dài hạn trên tổng vốn huy động ngắn hạn cũng không cho phép các ngân hàng thương mại muốn điều chỉnh “định mệnh” thế nào cũng được.

Thực tế, các doanh nghiệp đang vay ở mức lãi suất 17-18% (tương đương với 12% lãi suất cơ bản theo quy định hiện hành) ở kỳ hạn ngắn, nhưng được hạch toán ở kỳ hạn cao nhằm lách trần lãi suất (Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, với khoản vay 366 ngày, ngân hàng được quyền áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận; còn đối với khoản vay 365 ngày thì chỉ được cho vay tối đa 12%/năm theo trần lãi suất hiện hành). Thị trường tín dụng không minh bạch là điều cực kỳ nguy hiểm trong quản lý và là điểm xấu trong mắt của các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế.

Như vậy, việc điều chỉnh lãi suất cơ bản với mức khoảng 1 điểm phần trăm là phù hợp cho tháng 4. Với sự điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước vừa tạo thêm công cụ để kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm nguồn vốn để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

(*) Giảng viên Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới