Tiền tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính
Các thị trường mới nổi đang đối mặt với tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường 3 quý trở lại đây mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi đang suy giảm.
Theo số liệu ước tính của công ty quản lý quỹ NN Investment Partners, trong 3 quý trở lại đây, tổng số tiền rút khỏi 15 thị trường mới nổi lớn nhất tăng lên tới 600,1 tỷ USD, so với hơn 545 tỷ USD trong 3 quý kết thúc vào tháng 3/2009. Con số này cao hơn cả GDP năm 2014 của Nigeria.
Tuy vậy, đây mới chỉ là một phần trong làn sóng bốc hơi nguồn vốn khỏi các thị trường mới nổi – những thị trường từng là nam châm hút tiền nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính. Từ tháng 7/2009 đến hết tháng 6/2014, 15 thị trường mới nổi lớn nhất hút ròng 2.200 tỷ USD.
Dòng tiền bắt đầu đảo chiều rút khỏi các thị trường mới nổi do danh mục đầu tư của các quỹ bị ảnh hưởng bởi tình trạng tiền nội tệ mất giá so với USD. Tình trạng rút vốn đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Chuyên gia chiến lược Maarten-Jan Bakkum tại NN Investment Partners cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dòng vốn rút lui chính là USD tăng giá, những bất ổn trong tăng trưởng kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng như những yếu kém cơ bản của nhiều nền kinh tế mới nổi dẫn đến hạn chế khả năng phục hồi bền vững.
Ông Bakkum cũng nhấn mạnh thêm, tình trạng bốc hơi nguồn vốn sẽ tiếp tục trong quý II năm nay mặc dù tốc độ tháo chạy có chiều hướng giảm.
Điều đáng lo ngại hơn cả việc bốc hơi nguồn vốn chính là sự suy giảm dự trữ ngoại hối chưa từng thấy tại các thị trường mới nổi kể từ tháng 12 năm ngoái. Hồi tháng 3 năm nay, tổng giá trị dự trữ ngoại hối của 15 nền kinh tế mới nổi lớn nhất giảm hơn 374 tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ khi các thị trường mới nổi bắt đầu xây dựng kho dự trữ ngoại tệ kể từ đầu thế kỷ này.
Thậm chí ngay ở thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính, dự trữ ngoại hối của các thị trường mới nổi vẫn tăng đều đặn qua các quý. Sự suy giảm dự trữ ngoại hối gần đây bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Các ngân hàng trung ương dùng USD để bảo vệ nội tệ khỏi làn sóng phá giá tiền tệ, trong khi đó, hoạt động xuất khẩu suy giảm làm giảm nguồn thu USD. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối cũng được dùng để thanh toán các khoản nợ nước ngoài.
Tất cả những nguyên nhân trên cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại của các EM đã khiến niềm tin từ nhà đầu tư suy giảm, qua đó dẫn đến tình trạng rút vốn. Hãng Capital Economics dự đoán rằng tăng trưởng bình quân GDP của các EM đã giảm từ 4,1% tháng 1/2015 xuống 3,9% vào tháng 2/2015. Theo hãng này, đây mới là lần thứ 2 trong lịch sử (trước đó là cuộc khủng hoảng Argentina) tăng trưởng GDP bình quân của các EM giảm xuống dưới 4%.
Chuyên gia kinh tế Neil Shearing nói rằng những số liệu sơ bộ tháng 3/2015 cho thấy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Ông dự đoán tăng trưởng GDP bình quân có thể giảm xuống 3,5% trong những tháng tiếp theo.
Minh Phương
Theo FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư