Hủy
Tài Chính

Vốn tư nhân gỡ nút thắt đầu tư công

Hà Cúc Thứ Hai | 16/05/2022 14:00

Với quy mô 350.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tập trung giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023. Ảnh: Quý Hoà.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được trông đợi trở thành động lực tạo đà phục hồi kinh tế.
 

Với quy mô 350.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay sẽ được tập trung giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023. Phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỉ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư công chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng và Chính phủ đang nỗ lực để đẩy nhanh nguồn vốn này. Chẳng hạn, trong quý I/2022, Bộ Giao thông Vận tải đang là một trong số ít các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân cao khi đạt 17,6% kế hoạch đã giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, Bộ đã phân bổ được 42.000 tỉ đồng trong tổng số vốn khoảng 50.000 tỉ đồng đầu tư công được phân bổ trong năm 2022; trong đó, đã giải ngân được xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%). Với tiến độ này, lượng vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất lớn.

 

Lý do được đưa ra để giải thích sự chậm trễ này là trong 4 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán. Các dự án khởi công mới đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện công tác đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, để giải ngân vốn đầu tư công phải trải qua nhiều thủ tục vô cùng phức tạp, nhất là thủ tục ở các bộ ngành. Mỗi khâu thủ tục phải qua rất nhiều cửa, rất nhiều thao tác, nhiều con dấu và nhiều quyết định, thậm chí là có những vấn đề phải đẩy lên cấp rất cao.

Với tầm quan trọng của các dự án đầu tư công trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng vừa ký Quyết định thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nếu đến hết quý I/2022, không phân bổ hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể xem xét điều chuyển.

Rõ ràng, khi hạ tầng giao thông mở ra đến đâu, kinh tế địa phương nơi đó phát triển, giá đất tăng cao, thu hút các dự án, hệ sinh thái dịch vụ... dẫn đến nguồn thu, việc làm của địa phương cũng tăng theo. Đây chính là nguồn lực dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội để vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Ảnh: TL.
Khi hạ tầng giao thông mở ra đến đâu, kinh tế địa phương nơi đó phát triển, giá đất tăng cao, thu hút các dự án, hệ sinh thái dịch vụ...Ảnh: TL.

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp đang thiếu vốn và không có việc làm nhưng vốn đầu tư công vẫn còn thừa và chậm được giải ngân cho thấy có những nút thắt trong vấn đề này. Do đó, Chính phủ cần có chính sách đột phá, cởi trói cho đầu tư công để dòng vốn này sớm được đưa vào nền kinh tế. 

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng phải trao cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công bởi nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam có đủ thực lực hoàn thành tốt dự án và có thể hình thành chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của World Bank tại Việt Nam, cũng cho biết, khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này. Các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược với quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư là những chương trình đầu tư công quan trọng, có thể kể đến như cao tốc Bắc - Nam, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như phát triển tàu điện ngầm, xe buýt nhanh trong thành phố, cơ sở hạ tầng điện với đường dây truyền tải trong các dự án điện...

 

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam đang cần thúc đẩy phát triển mạnh về hạ tầng. Theo World Bank, dự kiến Việt Nam sẽ chi 25 tỉ USD/năm cho cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới, với khoảng 20% nguồn vốn trong số đó đến từ khu vực tư nhân. Ngoài 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 sử dụng vốn đầu tư công đã được Quốc hội chấp thuận, dự kiến khởi công một số tuyến ngay cuối năm 2022, nhiều dự án hạ tầng theo hình thức PPP (đối tác công - tư) cũng sẽ được khởi động trong năm nay. 

Hàng loạt dự án hạ tầng đầu tư công được triển khai với vai trò vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân sẽ trở thành đòn bẩy cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Chẳng hạn, để hút 300.000 tỉ đồng từ tư nhân vào nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề xuất mức lợi nhuận dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) cần được nâng lên trên 15% từ con số 11,5% hiện nay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới