Hủy
Thế giới

Bí quyết của những bệnh nhân tự khỏi HIV không cần điều trị

Phùng Mỹ Chủ Nhật | 21/11/2021 15:08

Ảnh: Getty Images.

Bệnh nhân Esperanza là người thứ hai trên thế giới được cho là đã đánh bại căn bệnh thế kỷ mà không cần dùng thuốc kháng virus hoặc cấy ghép tủy xương.
 

Bệnh nhân Esperanza là người thứ hai trên thế giới được cho là đã đánh bại căn bệnh thế kỷ mà không cần dùng thuốc kháng virus hoặc cấy ghép tủy xương.

Cách đây gần 4 thập kỷ, HIV/AIDS xuất hiện, nhanh chóng trở thành dịch bệnh đáng sợ, bí ẩn. Nó phá hủy hoàn toàn hệ miễn dịch của người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Hàng loạt bệnh nhân đổ gục trước virus bí ẩn.

Sau hàng chục năm, thế giới xuất hiện những bệnh nhân HIV đặc biệt. Đó là 4 người khỏi HIV. Họ là “bệnh nhân Esperanza” (Argentina), Loreen Willenberg (California, Mỹ), Timothy Brown (California, Mỹ) và Adam Castillejo (London, Anh).

Ảnh: Getty Images.
Ảnh: Getty Images.

Theo Time, 2 bệnh nhân Timothy Brown và Adam Castillejo được chữa khỏi sau khi cấy ghép tế bào gốc. Năm 2020, ông Timothy Brown đã qua đời vì ung thư máu tái phát. Trong khi đó, 2 nữ bệnh nhân còn lại được xem là mang tới hy vọng với cho công cuộc chống đại dịch HIV/AIDS. Bởi họ tự chữa khỏi HIV bằng cơ chế đặc biệt.

Hai người phụ nữ đặc biệt

Ngày 26/8/2020, y văn thế giới ghi nhận trường hợp nhiễm HIV đầu tiên khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc hay cấy ghép tủy xương. Bệnh nhân là bà Loreen Willenberg, 66 tuổi, ở California, Mỹ. Người phụ nữ này nhiễm virus HIV vào năm 1992. Ngay cả sau khi giải trình tự hàng tỉ tế bào của bà Loreen, các nhà khoa học vẫn không thể tìm thấy bất kỳ chuỗi virus HIV nguyên vẹn nào.

Trong cơ thể của bà Loreen, HIV dường như bị cô lập, khóa chặt trong phần gene đặc biệt và khiến chúng không thể sinh sản, gây bệnh. Phát hiện này cho thấy người bệnh có thể đã đạt được “phương pháp chữa trị chức năng” (functional cure). Điều đó có nghĩa là bệnh nhân tự hồi phục.

Anh Adam Castillejo khỏi bệnh HIV không phải nhờ các loại thuốc kháng virus, mà bằng liệu pháp ghép tế bào gốc vốn dùng để điều trị bệnh ung thư của anh. Ảnh: The New York Times.
Anh Adam Castillejo khỏi bệnh HIV không phải nhờ các loại thuốc kháng virus, mà bằng liệu pháp ghép tế bào gốc vốn dùng để điều trị bệnh ung thư của anh. Ảnh: The New York Times.

Trường hợp của người phụ nữ này đã mở ra trang mới cho công cuộc đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, dù nó vẫn còn khá dài. “Đây là khám phá quan trọng. Thách thức bây giờ là làm thế nào khai thác cơ chế tự chữa khỏi và sử dụng nó cho 38 triệu người nhiễm HIV”, tiến sĩ Sharon Lewin, Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia, đánh giá.

Các nhà khoa học nhận định kết quả này chỉ có thể xuất hiện nhờ những tiến bộ trong di truyền học.

Hơn một năm sau, thế giới một lần nữa kinh ngạc với bệnh nhân thứ hai được tuyên bố tự chữa khỏi HIV mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Ca bệnh này là một phụ nữ đến từ thành phố Esperanza, phía đông bắc Argentina.

Các nhà khoa học gọi người phụ nữ là "bệnh nhân Esperanza" - theo tên thị trấn nơi cô sinh sống. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV lần đầu vào năm 2013.

Nghiên cứu do tiến sĩ Xu Yu thuộc Viện Ragon, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Viện Công nghệ Massachusetts, dẫn đầu, phối hợp cùng nhóm chuyên gia ở Argentina.

Họ thu thập các mẫu máu của bệnh nhân từ năm 2017 đến năm 2020 và tỉ mỉ quét DNA của hơn một tỉ tế bào nhằm tìm kiếm virus HIV. Họ thậm chí kiểm tra cả nhau thai của nữ bệnh nhân 30 tuổi khi cô sinh con vào tháng 3/2020.

Cũng như bà Loreen Willenberg, kết quả giải trình tự gene hàng tỉ tế bào của bệnh nhân người Argentina đều không có dấu vết của virus HIV.

Trong bức thư bằng tiếng Tây Ban Nha, người phụ nữ mong muốn được giữ danh tính. “Tôi đang tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh. Tôi có một gia đình khỏe mạnh, không phải uống thuốc và sống như chưa có chuyện gì xảy ra. Đây là một đặc ân”, cô viết.

Nhóm chuyên gia khẳng định phát hiện về “bệnh nhân Esperanza” sẽ mang tới hy vọng cho khoảng 38 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với HIV và cho cả những nhà khoa học đang nguyên cứu về căn bệnh này.

“Điều này cho chúng tôi hy vọng hệ thống miễn dịch của con người đủ mạnh để kiểm soát HIV và loại bỏ tất cả virus chức năng. Thời gian sẽ trả lời, nhưng chúng tôi tin bệnh nhân này đã đạt được phương pháp chữa trị diệu kỳ”, tiến sĩ Xu Yu nói.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về cách bệnh nhân tự đào thải HIV – vốn là virus được xem là khó loại trừ nhất khỏi cơ thể. “Nó có thể là sự kết hợp của các cơ chế miễn dịch khác nhau như tế bào T hay miễn dịch bẩm sinh”, ông Yu nói thêm.

Điểm chung của những bệnh nhân đặc biệt

Dù chưa tìm ra cơ chế đào thải virus HIV ra khỏi cơ thể, giới chuyên gia đã đạt được nhiều bước tiến trong công cuộc đẩy lùi căn bệnh này.

Khi báo cáo trường hợp của bà Loreen, nhóm tác giả còn phát hiện thêm 63 trường hợp khác tự kiểm soát lây nhiễm virus mà không cần dùng thuốc. Gần 0,5% người nhiễm HIV trên toàn cầu có cơ chế trên mà không cần sự trợ giúp của thuốc kháng virus (ARV). Những người này được gọi là “bệnh nhân ưu tú” (elite controller).

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, định nghĩa những “bệnh nhân ưu tú” là người nhiễm HIV dù không điều trị, họ vẫn có tải lượng virus trong máu thấp đến mức trong nhiều trường hợp khó phát hiện.

Ước tính cứ 200 bệnh nhân có một trường hợp mang hệ miễn dịch có thể ngăn chặn được sự nhân lên của virus, đào thải nó xuống nồng độ rất thấp mà không cần dùng thuốc.

Điểm chung của những người này là hệ miễn dịch dường như ưu tiên tiêu diệt các tế bào chứa HIV có khả năng sao chép. Phần còn lại chỉ là những tế bào bị nhiễm mã di truyền của HIV, được ghép vào DNA tế bào. Chúng nằm quá xa để bắt tín hiệu nhân lên của virus. Kết quả, các tế bào không còn khả năng kết nối và nhân lên.

8 năm sau khi bệnh nhân Esperanza được chẩn đoán lần đầu, cô không có dấu hiệu virus đang hoạt động. Ảnh: CNN.
8 năm sau khi bệnh nhân Esperanza được chẩn đoán lần đầu, cô không có dấu hiệu virus đang hoạt động. Ảnh: CNN.

Ông Yu cho rằng trường hợp chữa khỏi tự nhiên của bà Loreen Willenberg khá giống với “bệnh nhân Esperanza”. Giả thuyết mà ông đưa ra là mỗi người có thể đã tạo ra một phản ứng tế bào T tiêu diệt đặc biệt hiệu nghiệm với virus.

Cùng quan điểm, một nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng các tế bào T trong người kiểm soát ưu tú có khả năng phá vỡ các axit amin trong HIV, làm suy yếu khả năng tái tạo của nó.

Trong khi đó, giả thuyết khác đến từ bộ gene. Khoảng 65% người kiểm soát ưu việt mang một biến thể đặc biệt của gene B kháng nguyên bạch cầu, nằm trong vùng phức hợp tương thích mô chính, một phần ADN của chúng ta kiểm soát phản ứng miễn dịch thích ứng với mầm bệnh và các mối đe dọa khác.

Hiện, các bệnh nhân HIV đều phải dùng thuốc kháng virus uống hàng ngày. Nó có thể giúp 99,5% bệnh nhân HIV bình thường ngăn chặn virus, họ phải dùng suốt đời mặc dù có tác dụng phụ. Bệnh nhân thường bị tổn thương gan và thậm chí là bệnh tim và nếu họ ngừng điều trị, các ổ chứa bộ gene HIV ẩn náu trong các tế bào và mô khác nhau sẽ sống lại, tràn vào máu trong vòng chỉ vài tuần.

Nếu biết được cách những bệnh nhân ưu tú có thể tự ngăn chặn HIV, nhân loại sẽ có thêm nhiều phương pháp điều trị mới. Từ loại vaccine có thể tăng cường phản ứng miễn dịch ở những người mới nhiễm HIV đến các liệu pháp phát triển gene đưa virus vào trạng thái "ngủ sâu", những cách này đều xuất phát từ nghiên cứu những người kiểm soát ưu tú để chữa trị cho những người HIV còn lại.

Có thể bạn quan tâm:

Giả thuyết mới về ca COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới