Hủy
Thế giới

Bồ Đào Nha biểu tình đòi tổng tuyển cử trước thời hạn

Chủ Nhật | 07/07/2013 14:33

Hàng trăm người Bồ Đào Nha ngày 6/7 đã biểu tình tại thủ đô Lisbon đòi chính phủ nước này sớm từ chức và tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.
 

Người biểu tình đã tụ tập trước tu viện nổi tiếng Jeronimos, gần dinh Tổng thống hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ. Họ yêu cầu Tổng thống Anibal Cavaco Silva giải tán quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.

Những người biểu tình cho rằng lời kêu gọi trên phản ánh quan điểm của toàn dân trước tình trạng trì trệ hiện tại của nền kinh tế đất nước. Họ mong muốn chính phủ của Thủ tướng Passos Coelho phải "ra đi," sau đó thành lập một chính phủ có thể đại diện cho người dân.

Cuộc biểu tình nổ ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar và Ngoại trưởng Paulo Portas tuyên bố từ chức hồi đầu tuần.

Sự từ nhiệm của hai bộ trưởng hàng đầu của Bồ Đào Nha do bất đồng với những quan điểm và kế hoạch cải cách của chính phủ, đã gây ra "sóng gió" lớn trong chính trường Bồ Đào Nha, quốc gia vốn đang phải nỗ lực hết mình để nhận cứu trợ tài chính từ "bộ ba" quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Lo lắng trước sự từ chức của hai bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ có thể khiến liên minh cầm quyền trung tả của Bồ Đào Nha tan rã, Thủ tướng Coelho ngày 2/7 tuyên bố sẽ không chấp nhận đơn từ chức của ông Portas và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Ngày 6/7, Thủ tướng Coelho đã chỉ định ông Portas làm Phó Thủ tướng. Với quyết định này, ông Portas sẽ tiếp tục ở lại chính phủ và đảm nhiệm vai trò lớn hơn. Theo ông Coelho, phó thủ tướng mới có nhiệm vụ kết nối các chính sách kinh tế trong nước và liên hệ với "bộ ba" cho vay quốc tế giúp đất nước sớm nhận được khoản cứu trợ sắp tới.

Tháng 5/2011, EU và IMF cam kết dành cho Bồ Đào Nha gói cứu trợ vỡ nợ trị giá 78 tỷ euro (tương đương 102 tỷ USD). Đổi lại, Lisbon phải thực hiện một chương trình cải cách kéo dài 3 năm, với kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" ngặt nghèo, giảm lương của người lao động, cắt xén các khoản phúc lợi và tăng thuế mạnh.

Tuy nhiên, kế hoạch khắc khổ đã khiến Bồ Đào Nha rơi vào giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn với tỷ lệ thất nghiệp đã chạm tới mức kỷ lục (hơn 18% lực lượng độ tuổi lao động).

Nguồn TTXVN


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới