Hủy
Thế giới

Các nước châu Á tìm cách "cai" đồng USD: Có thể nhưng không dễ

Nguyên Hồ Thứ Năm | 11/01/2024 11:26

Để thực hiện được điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi sẽ thách thức sâu sắc các dàn xếp chính trị, kinh tế và xã hội hiện có nhưng châu Á có rất ít sự lựa chọn. Ảnh: Nikkei Asia.

Đồng USD vẫn chưa có "người thừa kế" chính thức.
 

Trong bối cảnh đồng USD tăng giá kéo dài ba năm đã làm tăng áp lực lạm phát và thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi châu Á, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo khu vực đang tìm cách giảm sự phụ thuộc của quốc gia họ vào đồng bạc xanh.

"Tăng trưởng tốt, tỉ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và các khoản đầu tư đang đổ vào. Làm thế nào mà đồng ringgit lại thấp? Nó đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản, nhưng không ai có thể giải thích được.", Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, ông nói tiếp: "Lý do là FED."

 

Có lẽ khoảng 50-60% tiền tiết kiệm ở châu Á, dự trữ của Ngân hàng Trung ương, tài sản của quỹ đầu tư quốc gia và tài sản tư nhân, được lưu giữ bằng USD. Trong khi các khoản vay cũng thường được tính bằng USD.

Do đó, những thay đổi về giá trị của đồng USD hoặc lãi suất tính theo loại tiền này sẽ ảnh hưởng đến mức độ giàu có và nợ của châu Á.

Giá trị thực tế của các khoản đầu tư bằng đồng USD ở châu Á vẫn còn nhiều nghi vấn. Việc thanh lý 805 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng do giá chứng khoán sẽ giảm và tỉ giá hối đoái sẽ bị ảnh hưởng. Việc chuyển số tiền lớn về nước như vậy cũng có thể làm mất ổn định giá trị của đồng nhân dân tệ. Đó là vấn đề mà các nhà đầu tư lớn khác ở châu Á cũng phải đối mặt.

Điều quan trọng là các khoản thanh toán bằng USD phải chảy qua hệ thống tài chính Mỹ. Điều này cho phép Mỹ áp dụng luật pháp của mình đối với các cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Theo Nikkei Asia, Washington ngày càng sử dụng nhiều hơn các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại và thậm chí tịch thu làm vũ khí kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình phi dollar hóa khó có thể tiến xa trong thời gian tới.

Điều này có thể được giải thích một phần bởi cái mà các nhà kinh tế gọi là Bộ ba bất khả thi (mô hình Mundell-Fleming). Mô hình này cho rằng các quốc gia phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc duy trì chính sách tiền tệ tự chủ, cho phép dòng vốn tự do di chuyển và có tỉ giá hối đoái cố định, trong đó chỉ có hai trong số ba có thể đạt được đồng thời.

Ngoài ra còn có nghịch lý Triffin: Để tiền của một quốc gia có thể hoạt động như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, quốc gia đó phải sẵn sàng chấp nhận thâm hụt thương mại lớn để có đủ nguồn cung nhằm ứng nhu cầu dự trữ bằng đồng tiền đó của thế giới.

Các tiêu chí thiết yếu khác để xác định tình trạng đồng tiền dự trữ bao gồm thị trường vốn sâu và có tính thanh khoản, tín dụng cao, cơ chế thanh toán bù trừ, lưu ký và chuyển nhượng phù hợp, quản trị mạnh mẽ, khả năng thực thi pháp lý của các thỏa thuận và sự chấp nhận phổ quát.

Theo Nikkei Asia, các đối thủ tiềm năng, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ và đồng euro, không đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn kể trên. Điều này có thể là do những người ra quyết định không sẵn sàng thỏa hiệp việc kiểm soát kinh tế quốc gia ở mức độ cần thiết.

Kết quả là đồng USD chưa có người thừa kế chính thức.

Tuy nhiên vẫn có khả năng châu Á sẽ có đồng tiền chung trong tương lai, tương tự như euro. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã bộc lộ những sai sót cố hữu của phương án này. Các quốc gia châu Á với nền kinh tế và văn hóa rất khác nhau khó có thể chấp nhận sự hội nhập chính trị và tài chính cần thiết để củng cố một khối thống nhất.

Một lựa chọn khác, được Thủ tướng Anwar và những người khác ủng hộ, là quy định thương mại xuyên biên giới bằng nội tệ nhưng điều này rất khó thực hiện.

Chưa kể đến việc các nước xuất và nhập khẩu mỗi bên sẽ ưa chuộng đồng tiền của mình, có thể dẫn đến căng thẳng. Chẳng hạn như Ấn Độ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu giao dịch của họ được tính bằng đồng rupee, điều này sẽ khiến Trung Quốc có lượng tiền dư thừa của Ấn Độ mà nước này sẽ phải tìm cách giải quyết.

Ngoài ra, nếu thương mại được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, Ấn Độ sẽ phải bù đắp cho khoản thâm hụt phát sinh. Quyền truy cập miễn phí cần thiết vào các khoản đầu tư và tài trợ bằng các loại tiền tệ khác để hỗ trợ loại hình giao dịch này thường không có sẵn. Trong khi đó, các nước này đều không hề tồn tại quyền tự do tiếp cận đầu tư hoặc gây quỹ bằng ngoại tệ.

Quá trình phi đô la hóa đòi hỏi phải xem xét lại mô hình kinh tế cơ bản của châu Á bao gồm việc giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. © Reuters
Một cảng tại Bangkok: Quá trình phi dollar hóa đòi hỏi phải xem xét lại mô hình kinh tế cơ bản của châu Á bao gồm việc giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh: Reuters.

Việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD sẽ đòi hỏi phải xem xét lại mô hình nền kinh tế cơ bản của châu Á. Tiêu dùng trong nước sẽ cần phải thúc đẩy tăng trưởng, còn sự phụ thuộc vào xuất khẩu và mức tiết kiệm của quốc gia sẽ phải giảm.

Để đạt được điều này có thể cần phải mở rộng mạng lưới phúc lợi vì tính tiết kiệm của người châu Á một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu dành cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và chăm sóc người già.

Các bước thiết yếu khác hướng tới một mô hình kinh tế mới sẽ bao gồm củng cố các thể chế tài chính và cơ sở hạ tầng thị trường cũng như cải thiện các quy định và quản trị.

Khi đó Washington sẽ ít có khả năng sử dụng đồng bạc xanh để gây áp lực kinh tế khi cuộc chiến giành quyền thống trị toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Để thực hiện được điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi sẽ thách thức sâu sắc các dàn xếp chính trị, kinh tế và xã hội hiện có nhưng châu Á có rất ít sự lựa chọn. Nếu không tìm ra con đường mới, cơ hội tiến tới một thế kỷ châu Á sẽ không còn tồn tại.

Có thể bạn quan tâm: 

Khi siêu sao nhạc Pop trở thành "CEO" có tầm ảnh hưởng nhất năm 2023

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới