Hủy
Thế giới

Cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sau bầu cử Hàn Quốc

Thứ Năm | 20/12/2012 10:55

Với sự quyết tâm cùng nền tảng từ người cha, tân tổng thống Park Geun Hye được kỳ vọng sẽ mang tới nền hòa bình mới cho bán đảo Triều Tiên.
 

Trong thời gian qua, "thất bại" chắc chắn là cụm từ chính xác nhất để mô tả những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Minh chứng rõ ràng nhất là việc chính phủ Triều Tiên phóng thành công tên lửa 3 tầng mang theo vệ tinh vào quỹ đạo hôm 12/12 vừa qua, bất chấp mọi cảnh báo và đe dọa trừng phạt từ các nước.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hôm qua 20/12 lại khiến nhiều người ấp ủ hy vọng mối quan hệ vốn căng thẳng suốt hơn 50 năm qua giữa hai miền Triều Tiên sẽ được cải thiện trở lại.

Dưới thời tổng thống Lee Myung Bak, chưa bao giờ người ta được chứng kiến căng thẳng leo thang giữa hai miền bán đảo đến như vậy. Chính quyền tổng thống Lee đã chủ động thu hẹp quan hệ hợp tác kinh tế với chính quyền miền Bắc, kéo theo đó là hàng loạt sự kiện gây mâu thuẫn về chính trị, đỉnh điểm là việc Triều Tiên cho nã pháo vào một hòn đảo gần ranh giới trên biển giữa hai nước, làm 4 người thiệt mạng.

as
Bà Park Geun Hye từng có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng để gặp gỡ với
cố chủ tịch Kim Jong Il vào năm 2002.

Mối quan hệ liên triều dưới thời tổng thống Lee có thể coi là một cuộc khủng hoảng sâu sắc về an ninh và chính trị.

Tuy nhiên, với chiến thắng của bà Park Geun Hye - nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc - đã mang lại một cơ hội thực sự cho việc nối lại quan hệ chính trị kinh tế với Triều Tiên. Đây cũng có thể coi là cơ hội cuối cùng cho thế hệ chính trị của bà Park trong việc xây dựng lại mối quan hệ liên triều và tiến tới thống nhất bán đảo.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ nói đây là cơ hội cuối cùng vì các cuộc điều tra gần đây cho thấy giới trẻ Hàn Quốc ngày càng tỏ ra mâu thuẫn, thậm chí là đối kháng với ý tưởng thống nhất hai miền Triều Tiên. Mối quan tâm chủ yếu của họ vào lúc này là các vấn đề kinh tế xã hội trong nước, trong khi những chính sách xoay quanh sự phân chia hai miền dường như không mấy được chú ý.

Là một người theo chủ nghĩa thực dụng đối với các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, đồng thời từng giữ chức vụ là một nhà lập pháp của Hàn Quốc, tổng thống mới đắc cử Park Geun Hye được thừa hưởng khá nhiều di sản quý báu từ cha bà, cựu tổng thống Park Chung Hee, người được coi là kiến trúc sư trưởng mang lại "phép màu" cho kinh tế Hàn Quốc. Nền tảng mà người cha để lại cho phép bà Park có thể thực hiện các chính sách mạnh mẽ và táo bạo với Triều Tiên trong khi vẫn giữ được niềm tin của xã hội Hàn Quốc, các nhà phân tích nhận định.

Bên cạnh đó, bà Park cũng là người ủng hộ xu hướng hợp tác và hàn gắn hai miền bán đảo. Để thực hiện những bước đi khó khăn đầu tiên nhằm tiếp cận chính quyền miền Bắc, năm 2002, bà Park từng có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng để gặp gỡ với cố chủ tịch Kim Jong Il. Bà cũng nhận ra rằng tương lai kinh tế hai miền Nam Bắc sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tiến bộ trong hòa bình giữa chính phủ hai nước.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng bà Park nhiều khả năng sẽ tiến tới thực hiện chính sách tương tự như "Chính sách nồng ấm" dưới thời tổng thống Kim Dae Jung. Đây cũng được coi là sự tiếp nối thỏa thuận năm 1972 mà cựu tổng thống Park Chung Hee ký với chính quyền miền Bắc nhằm đạt được hòa bình, thống nhất và đoàn kết dân tộc trên bán đảo.

Trong quá khứ, chính sách của ông Kim Dae Jung từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các thành viên trong đảng. Tuy nhiên, tân tổng thống Hàn Quốc đã báo hiệu một sự sẵn sàng hành động đối với những cam kết chấm dứt căng thẳng hai miền đã đưa ra trước đó.

jj
Tân tổng thống Park Geun Hye được kỳ vọng sẽ mang tới nền hòa bình mới cho bán đảo Triều Tiên
Ngoài ra,còn có một số lý do chính trị khiến bà Park coi các vấn đề bán đảo Triều Tiên là trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình. Hiện tại, kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn. Nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của Hàn Quốc đang chậm lại do nhu cầu tiêu dùng nước ngoài giảm, trong khi các khoản nợ cá nhân đang đè nặng lên vai chính phủ. Trong chiến dịch tranh cử, bà Park đã đưa ra những cam kết hào phóng về phúc lợi xã hội, song thực hiện chúng không phải là điều đơn giản trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu phải kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn.

Do đó, việc hàn gắn mối quan hệ liên triều được coi là bàn đạp nhằm củng cố vị thế của bà Park, đồng thời giúp bảo vệ di sản mà cha bà, tổng thống Park Chung Hee, để lại.

Dù động cơ có là gì, tổng thống Park Geun Hye sẽ cần tới sự hỗ trợ của các đồng minh và các nước láng giềng để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên. Bà từng nhắc tới vai trò của miền Nam trong việc phát triển kinh tế cho miền Bắc, cũng như giúp Bình Nhưỡng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác như Mỹ và Nhật Bản.

Sự hàn gắn này có thể sẽ song hành cùng việc duy trì mối quan hệ đối tác quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ, song sẽ rất khó thành công nếu chính quyền Washington tiếp tục tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên.

Mối quan hệ với Triều Tiên luôn là bài toán khó giải nhất đối với các nhiệm kỳ tổng thống Hàn Quốc, và điều đó càng trở nên khó khăn hơn khi Triều Tiền liên tiếp cho phóng tên lửa để tuyên bố sức mạnh cũng như sự không khoan nhượng của mình. Tuy nhiên, tân tổng thống mới của Hàn Quốc, bà Park Geung Hye đã tỏ rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch của mình khi tuyên bố sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Sự quyết tâm của bà Park cũng chính là cơ sở để nhiều người tin rằng Hàn Quốc dưới chính quyền mới sẽ tạo được nền hòa bình ổn định và lâu dài với Triều Tiên hơn so với những tổng thống tiền nhiệm.

Nguồn Lowyinterpreter/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới