Hủy
Thế giới

Điều gì khiến kinh tế toàn cầu vẫn "còng lưng" hậu đại dịch?

Hải Miên Thứ Ba | 30/01/2024 11:40

Xe sẽ được xuất khẩu tại cảng container ở Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press.

Nền kinh tế châu Âu bắt đầu cảm nhận những tác động tiêu cực từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc khủng hoảng ở Trung Đông gây ra.
 

Dữ liệu công bố hôm 24/1 cho thấy các doanh nghiệp phải đợi lâu hơn để nhận đủ phụ tùng, linh kiện cần trong quá trình sản xuất, sau khi các cuộc xung đột trên Biển Đỏ vẫn tiếp tục leo thang và đặc biệt nhằm vào các tàu chở hàng, làm gián đoạn các tuyến vận chuyển hàng hóa từ châu Á.

Các cuộc tấn công đã thuyết phục nhiều hãng vận tải hàng hóa thực hiện hành trình an toàn hơn nhưng dài hơn và đắt tiền hơn quanh châu Phi qua Mũi Hảo Vọng. Nếu chi phí gia tăng chồng chất và kéo dài, chúng có thể chuyển thành áp lực lạm phát mới ở châu Âu, đẩy lùi việc cắt giảm lãi suất dự kiến, theo WSJ.  

Đây cũng là lần đầu tiên thời gian giao hàng tăng lên sau một năm, theo báo cáo kể trên.

Các doanh nghiệp châu Âu phải đợi các lô hàng vận chuyển qua Biển Đỏ với thời gian dài hơn vì xung đột tại khu vực Trung Đông. Ảnh: WSJ.
Các doanh nghiệp châu Âu phải đợi các lô hàng vận chuyển qua Biển Đỏ với thời gian dài hơn vì xung đột tại khu vực Trung Đông. Ảnh: WSJ.

Trong khi các công ty như Tesla và Volvo đã công bố sự chậm trễ trong sản xuất do gián đoạn, các cuộc khảo sát là bằng chứng đầu tiên về tác động lan rộng hơn đối với các doanh nghiệp châu Âu.

Thời gian cung ứng kéo dài bắt đầu từ năm 2020 đã góp phần khiến tỉ lệ lạm phát toàn cầu tăng mạnh bắt đầu vào giữa năm 2021, đồng thời các nhà kinh tế và Ngân hàng Trung ương lo ngại rằng những gián đoạn mới nhất có thể có tác động tương tự đến giá cả, mặc dù quy mô nhỏ hơn.

Các nhà kinh tế không cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng nhiều đến Mỹ vì thương mại của nước này không phụ thuộc nhiều vào kênh đào Suez như châu Âu và nước này có nhiều tuyến đường thay thế hơn cho hàng hóa đến từ châu Á.

Theo công ty dữ liệu S&P Global, thước đo về thời gian cung ứng được các doanh nghiệp khu vực đồng euro báo cáo đã giảm xuống 48,6 trong tháng 1 từ mức 53,2 trong tháng 12. Chỉ số dưới 50 cho thấy, thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn. Vương quốc Anh thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, với thước đo của S&P Global giảm từ 51,3 xuống 43,1. 

Ông Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Sự chậm trễ về nguồn cung đã tăng cao hơn khi việc vận chuyển được định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, thời gian hành trình dài cũng nâng chi phí sản xuất vào thời điểm áp lực giá vẫn tăng cao”.

Song, sự gián đoạn hiện tại đối với chuỗi cung ứng vẫn ít nghiêm trọng hơn so với tình trạng tắc nghẽn quy mô toàn cầu vào năm 2020 và 2021, đồng thời tác động kinh tế cũng có thể ít hơn một chút.

 

Tuy nhiên, sự gián đoạn đã đến vào thời điểm quan trọng, khi các nhà máy Trung Quốc thường gấp rút vận chuyển hàng hóa cho khách hàng nước ngoài trước khi đóng cửa vào dịp năm mới.

Ông Ryan Petersen, Giám đốc Điều hành của Flexport, một nền tảng logistics toàn cầu cho biết: “2-3 tuần này (trước Tết âm lịch) luôn là mùa vận chuyển lớn. Vì dịp lễ này, các nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa từ 1-4 tuần và người mua muốn nhận hết hàng hóa ngay trước cột mốc đó”.

Chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng lên kể từ khi các cuộc tấn công của Houthi gia tăng vào cuối năm 2023. Theo Freightos Baltic Index, chi phí trung bình vận chuyển hàng hóa trong container trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ ngày 22/12 đến ngày 19/1. Trên một số tuyến nối Trung Quốc với châu Âu, chi phí tăng mạnh hơn.

Nếu chi phí vận chuyển vẫn ở mức cao, điều đó có thể sẽ làm tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng. Các nhà kinh tế tại JPMorgan ước tính giá hàng hóa toàn cầu có thể tăng 0,7%, thúc đẩy tăng thêm 1/3 điểm phần trăm vào tỉ lệ lạm phát toàn cầu, không tính đến giá năng lượng và thực phẩm.

Có thể bạn quan tâm:

 Thế giới lo ngại trước làn sóng di cư của người dân Trung Quốc

Nguồn WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới