Hủy
Thế giới

Doanh nghiệp Mỹ mất quyền định giá

Khánh Tú Thứ Sáu | 05/01/2024 15:11

Các công ty sẽ ưu tiên kiểm soát chi phí hơn là duy trì quyền định giá thị trường. Ảnh: CNBC.

Triển vọng người tiêu dùng có vẻ đang đi chệch hướng với kế hoạch của giới doanh nghiệp Mỹ.
 

Sau nhiều năm chi tiêu không kiểm soát cho mọi thứ từ đồ nội thất, thiết bị điện tử cho đến những kỳ nghỉ xa xỉ, người tiêu dùng Mỹ trở nên dè sẻn hơn, khiến nhiều doanh nghiệp nước này nhận thấy đang dần mất quyền định giá.

Tuần trước, hãng giao nhận FedEx cho biết, khách hàng không còn ưu tiên lựa chọn vận chuyển nhanh do mức phí đắt hơn bình thường. Trong khi đó, hãng hàng không như Southwest Airlines phải giảm giá vé ngoài giờ cao điểm nhằm kích thích người tiêu dùng. Còn chuỗi siêu thị Target và nhà sản xuất thực phẩm General Mills đã cắt giảm triển vọng doanh thu khi người tiêu dùng chi tiêu thận trọng hơn.

 

Nhìn chung, đang có sự thay đổi so với những năm trước đây, khoảng thời gian người tiêu dùng Mỹ chi tiêu với tốc độ chóng mặt, bất chấp các ngưỡng giá cao mà các doanh nghiệp đưa ra. Đó có thể xem như là thời kỳ hoàng kim doanh thu của nhiều doanh nghiệp. Nhưng khi đối diện với nhu cầu suy yếu, người tiêu dùng nhạy cảm hơn về giá cả, lạm phát hạ nhiệt và nguồn cung dồi dào hơn, một số doanh nghiệp loay hoay tìm cách tăng trưởng lợi nhuận không tăng giá.

Nike gần đây đã hạ dự báo triển vọng doanh thu hàng năm, đồng thời công bố kế hoạch cắt giảm chi phí 2 tỉ USD trong ba năm tới. Còn nhà sản xuất đồ chơi Hasbro vừa thông báo sa thải 1.000 nhân viên do doanh số bán hàng sụt giảm.

“Các công ty sẽ ưu tiên kiểm soát chi phí hơn là duy trì quyền định giá thị trường. Khác với thời kỳ đại dịch COVID-19, việc chủ động định giá đã không còn nằm trong tay doanh nghiệp”, ông David Kelly, Giám đốc Chiến lược toàn cầu J.P. Morgan Asset Management, nhận định.

Thực tế, sức mua của người tiêu dùng Mỹ vẫn tốt, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ đang chậm lại. Dữ liệu khảo sát cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong kỳ nghỉ lễ vừa qua (1/11-24/12), không bao gồm doanh số bán ô tô và chi tiêu du lịch, tăng 3,1% so với cùng khung thời gian của năm 2022. Con số này chậm lại hẳn so với tốc độ tăng trưởng 7,6% của kỳ nghỉ lễ năm ngoái.

Thị trường việc làm mạnh cùng với tỉ lệ thất nghiệp thấp đang hỗ trợ người dân Mỹ duy trì thói quen chi tiêu. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ liên bang New York, người tiêu dùng Mỹ đã sử dụng gần hết số tiền tiết kiệm trong thời kỳ dịch bệnh và hiện gánh thêm nợ thẻ tín dụng, với số dư nợ lên mức cao kỷ lục là 1,08 nghìn tỉ USD vào cuối quý III/2023. Tỉ lệ nợ thẻ tín dụng quá hạn đang ở mức thậm chí còn cao hơn trước khi dịch bệnh xảy ra.

Các doanh nghiệp đã mất lợi thế trong việc định giá chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: CNBC.
Các doanh nghiệp đã mất lợi thế trong việc định giá chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: CNBC.

Tình trạng nợ tăng lên khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu đúng vào thời điểm các doanh nghiệp loay hoay tìm cách thích ứng với xu hướng tiêu dùng thay đổi. Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuyển đổi mô hình từ kinh doanh đồ nội thất sang kinh doanh dịch vụ như du lịch và nhà hàng.

Song, triển vọng người tiêu dùng có vẻ đang đi chệch hướng với kế hoạch của giới doanh nghiệp Mỹ, nhất là trong thời gian tới, hay được xem là mùa thấp điểm của mua sắm và du lịch. Việc này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ khó tăng giá và nắm quyền định giá như những năm vừa qua.

Dẫu vậy, các nhà phân tích vẫn lạc quan về thu nhập của giới kinh doanh trong năm 2024, dù hiện tại doanh nghiệp không thể tăng giá và tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng chậm lại.

Thu nhập quý I/2024 của các công ty trong chỉ số S&P 500 được kỳ vọng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước và doanh số bán hàng dự kiến tăng 4,4%, theo FactSet. Điều này cho thấy giới phân tích kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ được cải thiện theo từng năm.

“Doanh nghiệp cần tập trung vào những nguồn chi phí dư thừa có thể cắt giảm”, ông Ohsung Kwon, nhà chiến lược của Bank of America, nhận định giữa bối cảnh thói quen chi tiêu của người tiêu dùng thay đổi còn doanh nghiệp thì không thể tiếp tục đi theo chiến lược tăng giá.

Có thể bạn quan tâm:

Giới chuyên gia dự báo kinh tế châu Âu 2024 tăng trưởng yếu ớt

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới