Hủy
Thế giới

Giá dầu cao khó có thể làm giảm nhu cầu châu Á trong ngắn hạn

Hải Miên Thứ Năm | 28/09/2023 15:47

Nhà máy lọc dầu với công suất 10 triệu tấn đầu tiên của Trung Quốc nằm ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: Getty Images.

Với nguyên liệu giá rẻ với lợi nhuận lọc dầu tốt, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chống chọi tốt trước tác động của giá dầu cao hơn.
 

Theo các nhà phân tích, cơn khát dầu của châu Á khó có thể giảm ngay cả nếu giá chuẩn đạt 100 USD/thùng, khi mà Trung Quốc và Ấn Độ liên tục đáp ứng phần lớn nhu cầu nước mình bằng các lựa chọn rẻ hơn, chẳng hạn như từ Nga.

 

Đầu tháng này, giá dầu lần đầu tiên tăng trên 90 USD/thùng vào năm 2023 khi Ả Rập Saudi và Nga tuyên bố sẽ gia hạn việc sản xuất và hạn chế xuất khẩu cho đến cuối năm. Các nhà phân tích kỳ vọng giá dầu thô Brent chuẩn sẽ duy trì ở mức hiện tại trong một thời gian.

UBS dự báo Brent sẽ giao dịch trong phạm vi 90-100 USD/thùng trong những tháng tới, trong khi Goldman Sachs dự đoán nhóm OPEC+ sẽ duy trì mức giá 80-105 USD/thùng vào năm tới.

Theo ông Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, đây có thể là tin tức đáng lo ngại đối với các nền kinh tế châu Á. Ông Staunovo cho biết: “Châu Á là nhà nhập khẩu ròng dầu thô, vì vậy giá cao hơn sẽ là trở ngại cho nền kinh tế”.

Bà Cyn Young Park, Giám đốc Bộ phận Hợp tác, Hội nhập và Thương mại khu vực tại Ngân hàng Phát triển châu Á, cũng có quan điểm tương tự.

Bà Park cho biết: “Nhìn chung, các nền kinh tế châu Á đã có khả năng phục hồi tốt hơn trước các cú sốc giá dầu, miễn là chúng chỉ mang tính tạm thời, do nhu cầu thúc đẩy và không kết hợp với các tác động lan tỏa khác như thắt chặt tiền tệ, chất lượng tín dụng và bất ổn tài chính”.

Trong khi đó, bà Park cho biết giá dầu có thể sẽ giảm hoặc ít nhất là bị hạn chế trước khi chúng có cơ hội gây thiệt hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Bà nói, mối quan tâm lớn hơn là tác động đến lạm phát. “Nếu lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và kích hoạt việc thắt chặt tiền tệ trở lại, điều đó có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường tài chính”, bà chia sẻ.

Ông Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Kpler, một công ty nghiên cứu và phân tích hàng hóa, thậm chí còn lạc quan hơn về nhu cầu dầu thô của châu Á. “Do lợi nhuận của nhà máy lọc dầu vẫn còn quá tốt để ngừng khai thác, khi mỗi thùng dầu được lọc mang lại 15-16 USD, tôi tin rằng ngay cả dầu thô 100 USD/thùng cũng sẽ không để lại ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu châu Á”, ông Katona nói.

 

Hơn nữa, Ấn Độ và Trung Quốc được hưởng nguồn dầu thô giảm giá ổn định vì họ thường xuyên mua từ các nước bị phương Tây trừng phạt. 1/3 lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga và quốc gia Nam Á này vẫn là khách hàng mua dầu thô bằng đường biển lớn nhất của Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc được cho là có được một số giao dịch tốt nhất về dầu thô trên toàn cầu. Theo ông Katona, nước này chiếm gần như toàn bộ lượng dầu thô xuất khẩu của Iran, lên tới 1,2-1,4 triệu thùng mỗi ngày trong những tháng gần đây, hầu hết được bán với giá chiết khấu 10 USD/thùng so với dầu Brent.

Theo công ty nghiên cứu, Trung Quốc cũng mua một lượng dầu thô tương đương của Nga bằng đường biển, cũng như toàn bộ lượng dầu xuất khẩu của Venezuela.

Ông Katona cho biết: “Việc kết hợp nguyên liệu giá rẻ với lợi nhuận lọc dầu tốt sẽ đưa cả Trung Quốc và Ấn Độ lên vị trí hàng đầu toàn cầu khi nói đến việc chống chọi với tác động của giá dầu cao hơn”.

Ông nói thêm, nhược điểm duy nhất đối với Trung Quốc là nước này đã giảm phần lớn lượng dầu tồn kho trong nước tích tụ trong 2 tháng qua. Ông Katona cho biết “Tồn kho dầu thô của Trung Quốc đã quay trở lại mức trung bình lịch sử, khoảng 960 triệu thùng. Điều này có nghĩa là việc giảm nhập khẩu sẽ kém linh hoạt hơn trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm: 

Giá vàng thế giới lao dốc, USD thì vẫn "phi mã"

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới