Hủy
Thế giới

Kinh tế địa phương Nhật Bản bị đe dọa do chính phủ cạn tiền

Thứ Ba | 06/11/2012 08:48

Chính quyền địa phương Nhật Bản đang phải vay ngân hàng để trang trải chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đứng trước nguy cơ bị cạn tiền.
 

Theo thống đốc tỉnh Kyoto đồng thời là người đứng đầu Hiệp hội các thống đốc quốc gia Nhật Bản, ông Keiji Yamada, cho biết các khoản chi tiêu cho công trình công cộng và trợ cấp người nghèo tại nhiều tỉnh và địa phương của Nhật Bản có nguy cơ bị dừng lại khi chính phủ không còn rót tiền.

Tại phía Bắc và phía Tây Nhật Bản, hai tỉnh là Hokkaido và Wakayama hiện phải đi vay nợ với lãi suất cao để trang trải chi phí hoạt động của địa phương.

Không chỉ Hokkaido và Wakayama, nhiều chính quyền địa phương của Nhật Bản buộc phải đi vay nợ ngân hàng để duy trì các hoạt động công cộng. Nếu tình trạng gián đoạn chi tiêu của chính quyền địa phương, chiếm 2/3 chi tiêu công cộng của Nhật Bản, vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, nền kinh tế vốn đang bị đình trệ do xuất khẩu và sản xuất suy giảm của Nhật Bản có thể tiếp tục xấu đi, các nhà kinh tế cảnh báo.

Trước nguy cơ chính quyền trung ương sẽ cạn tiền trong tháng này, nhà lãnh đạo phe đối lập của Đảng Dân chủ tự do, ông Shinzo Abe, cho biết ông sẽ cho phép tiến hành tranh luận về những điều luật tài chính ngay trong quốc hội.

Kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Norinchukin Research Institute, ông Takeshi Minami, cho biết: "Việc thiếu vốn đang giáng một đòn mạnh lên các nền kinh tế địa phương. Trong khi đó, kinh tế địa phương Nhật Bản từ lâu đã khá suy yếu do dân số giảm và tình trạng chuyển đổi sản xuất ra nước ngoài". Ông Minami cũng cho biết các nền kinh tế địa phương của đất nước gần như không thể tự đứng trên đôi chân của chính mình mà phải phụ thuộc vào nguồn tiền từ chính phủ trung ương.

Chính quyền trung ương Nhật Bản mới đây đã cho công bố gói chi tiêu 400 tỷ yên (5 tỷ USD) nhằm kích thích kinh tế. Tuy nhiên, theo thống đốc Kyoto, ông Yamada, hiện vẫn còn 4.000 tỷ yên thuế phân bổ cho các chính quyền địa phương vẫn bị trì hoãn. Ông Yamada tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực sự của gói kích thích này từ chính phủ.

"Liệu có kích thích nổi tăng trưởng kinh tế với 400 tỷ yên trong khi 4.000 tỷ yên phân bổ còn chưa tới được tay các chính quyền địa phương? Những gì chính quyền trung ương đang làm là khá mâu thuẫn", ông Yamada nói.

Trong khi đó, chính quyền trung ương Nhật Bản vẫn chưa thể tìm được các biện pháp giải quyết tình trạng hiện tại sau những bế tắc giữa các đảng phái. Hồi tháng 10, thủ tướng Yoshihiko Noda đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo đối lập ủng hộ các biện pháp ngân sách và tài chính mà ông đưa ra.

Giám đốc chiến lược về thu nhập cố định tại Barclays, ông Chotaro Morita, cho rằng Quốc hội Nhật Bản cần thông qua một dự luật trong ngày 26/11, nhằm đảm bảo chương trình trình đấu giá trái phiếu chính phủ sẽ được tiến hành trong ngày 4/12. Trong khi đó, hãng xếp hạng Moody's tuần trước cảnh báo tình trạng bế tắc chính trị đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới xếp hạng nợ của Nhật Bản.

Thống đốc Kyoto, ông Yamada, cũng lên tiếng cảnh báo: "Nền kinh tế đang xấu đi và còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, người dân Nhật Bản muốn các nhà lập pháp phải đưa ra quyết định. Nếu họ không thể, các chính trị gia sẽ mất lòng tin ở công chúng".

Nguồn Bloomberg/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới