Lịch trình dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
Việc vận chuyển trên phải được tiến hành trong những tháng tới, sau khi diễn ra Thượng đỉnh Washington-Bình Nhưỡng. Và Mỹ muốn Triều Tiên vận chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân tới Mỹ để chứng tỏ thiện chí.
"Tôi nghĩ việc thực hiện đầy đủ quyết định có nghĩa là loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tháo dỡ chúng, đưa đến Oak Ridge, Tennessee", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với ABC News về mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Theo Hãng tin Hàn Quốc Yonhap, yêu cầu của Mỹ được đưa ra trong các cuộc thảo luận song phương để chuẩn bị cho thượng định Donald Trump và Kim Jong Un diễn ra vào ngày 12/6/2018 tại Singapore. Washington khẳng định sẽ không giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, nếu yêu cầu trên không được đáp ứng.
Như một phần của thỏa thuận, Reuters đưa tin, ngày 13/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, nếu Bình Nhưỡng nhất trí bãi bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của mình, điều này sẽ dẫn tới "việc dỡ bỏ trừng phạt" và các doanh nghiệp tư nhân Mỹ được phép đầu tư vào Triều Tiên. Người Mỹ cũng sẽ giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và nền nông nghiệp ở Triều Tiên để giúp người dân có đủ lương thực, nếu quốc gia Đông Bắc Á này đáp ứng yêu cầu của Washington.
Dường như Mỹ cho rằng việc Triều Tiên cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa là chưa đủ. Bình Nhưỡng còn phải làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ thiện chí từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hiện vẫn chưa có câu trả lời từ chính quyền Kim Jong Un.
Thông báo về việc Mỹ yêu cầu Triều Tiên chuyển ra khỏi lãnh thổ một phần vũ khí nguyên tử và các bộ phận tên lửa được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh và cám ơn chế độ Bình Nhưỡng hôm 12/5 thông báo chi tiết kế hoạch phá dỡ khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri. Việc phá dỡ khu thử nghiệm Punggye Ri dự kiến bắt đầu trong khoảng ngày 23 đến 25/5. Bình Nhưỡng cũng mời các phóng viên Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Anh đến theo dõi sự kiện.
Theo thông cáo của bộ Ngoại giao Triều Tiên, đầu tiên, các đường hầm của cơ sở hạt nhân Punggye Ri sẽ được san lấp bằng thuốc nổ, các lối vào khu đường hầm sẽ bị chặn, các cơ sở quan sát và trung tâm nghiên cứu trên mặt đất sẽ bị phá hủy. Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu và lính gác sẽ được rút hết, và khu thử nghiệm sẽ đóng cửa.
Triều Tiên cũng hứa sẽ cung cấp cho các phóng viên nước ngoài mọi phương tiện cần thiết: máy bay từ Bắc Kinh, sau đó là tàu chạy tới tận khu thử nghiệm hạt nhân Punggye Ri, và cả trung tâm báo chí..
Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ rằng khi phá hủy cơ sở hạt nhân, mà trước đó không để cho các nhà khoa học lấy mẫu nghiên cứu, có nghĩa là chế độ Bình Nhưỡng đã phá hủy mọi thông tin về các vụ thử nghiệm mà họ đã tiến hành.
Một số khác lưu ý rằng sau 6 lần thử nghiệm hạt nhân, Bình Nhưỡng đã làm chủ được các công nghệ cần thiết và không cần thử nghiệm thêm nữa.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tháng trước nói rằng ông Kim Jong Un dự kiến sẽ đóng cửa khu thử hạt nhân vào tháng 5, sau các cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim bác bỏ các nhận định của các nhà khoa học Trung Quốc rằng nhiều phần của khu thử đã bị hư hại nặng nề bởi các vụ nổ trước đó, đặc biệt là do cuộc thử lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng vào tháng 9/2017, nên giờ khu thử không thể sử dụng được nữa.
Lầu Năm Góc ước tính Triều Tiên có xấp xỉ 200 bệ phóng tên lửa dùng để bắn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Mùa hè năm nay, Triều Tiên đã 2 lần phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) - được đánh giá là có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Các ước tính cập nhật cho rằng Triều Tiên đang nắm giữ 13 - 21 tên lửa, và nước này được tin là có 4 đầu đạn. Mỗi vũ khí được tin là có sức nổ bằng một nửa của loại mà Mỹ đã triển khai khi chống Nhật hồi Thế chiến II. ABC News dẫn thông tin từ Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết, Triều Tiên được tin là có 30 - 40 kg plutonium đã tách.
Mục tiêu mà Mỹ đặt ra là “loại bỏ” 5 vũ khí hạt nhân hiện thời của Triều Tiên mỗi tháng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cũng đã có các cuộc thảo luận về việc tiêu hủy vũ khí hạt nhân Triều Tiên với sự hỗ trợ của Pháp.
Nếu Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời gia nhập Hiệp ước Không Phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc đạt được một thỏa thuận song phương tương tự với Mỹ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ là đơn vị đầu tiên thanh tra Bình Nhưỡng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn