Ngành kinh doanh thức ăn nhanh đang gặp khủng hoảng?
Cung vượt cầu
"Các bạn thiếu niên đâu hết rồi"? Đây là câu hỏi thảng thốt của giới chủ cửa hàng thức ăn nhanh khi tìm mỏi mắt cũng không thấy được hàng dài thiếu niên trước cửa hàng mình. Theo CNBC, năm 2000, 45% thiếu niên từ 16-19 tuổi đi tìm việc ở các cửa hàng thức ăn nhanh nay chỉ còn có 30%.
Cục Thống kê lao động Mỹ lý giải, lượng học sinh Mỹ tìm được học bổng có phần tăng lên, học phí cũng tăng cao, các em mong muốn tự làm chủ và có công việc tốt hơn nên dành phần lớn thời gian chăm chỉ học hành thay vì đi làm thêm. Chưa kể, 20% lượng lao động làm việc tại các cửa hàng thức ăn nhanh là người nhập cư. Các chính sách thắt chặt gần đây đã khiến nhóm đối tượng này bị ảnh hưởng. Từ năm 2017 đến nay, thuê mướn nhân công khó khăn hơn 10 năm trước.
Cuộc khủng hoảng nhân sự dẫn tới khủng hoảng về quản lý và điều hành. Dù nhu cầu nhân sự vẫn cao nhưng mức lương cơ bản cũng tăng liên tục mấy năm qua khiến giới chủ càng thêm chật vật trong cơ cấu cửa hàng.
Nhiều người chọn cách áp dụng các thiết bị điện tử để thay thế bớt con người nhưng lại không huấn luyện nhân viên hoặc bảo trì đều đặn khiến dịch vụ không như ý, khách hàng phật lòng nhiều hơn. Hậu quả là trong khi khách đến các nhà hàng khác vẫn ổn định, thượng khách đến nhà hàng thức ăn nhanh đã giảm 2,7% - ghi nhận trong quý I/2018.
Để vừa tăng doanh thu, vừa tiết kiệm chi phí, những tên tuổi lớn như Jack in the Box, Applebee's, Taco Bell hay Subway chọn cách nhượng quyền thương hiệu. Tuy nhiên, Business Insider chỉ ra rằng, số lượng cửa hàng thức ăn nhanh nở rộ, tăng nhiều hơn nhu cầu thực của thị trường.
Theo Reuters, năm 2002, chỉ có một vài cửa hàng giảm giá để tăng nhận diện thực đơn mới. Tuy nhiên, đến nay tất cả các nhãn hiệu thức ăn nhanh đều áp dụng chính sách khuyến mãi sâu và rầm rộ. Các thực đơn 5 USD và thậm chí 1 USD có phần ăn no đã quá phổ biến nhưng điều này càng thể hiện sự bế tắc trong cạnh tranh của cửa hàng thức ăn nhanh.
Reuters cho biết, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm xuống dưới 1,5%. 20 năm trước, thế hệ X góp phần khiến ngành thức ăn nhanh bùng nổ.
Hiện nay thế hệ Y lớn lên với nhu cầu thay đổi chóng mặt và có nhiều sự lựa chọn hơn, ngành thức ăn nhanh không thể thay đổi kịp buộc lòng phải bước chậm và tìm cách thoát khỏi cơn khủng hoảng này.
Vẫn là một ngành tiếp tục phát triển với tốc độ vừa phải và giá trị lớn
Những biến động khác nhau này trong ngành thức ăn nhanh cho thấy, sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng về phía hiện đại hơn, tiện lợi hơn, linh hoạt hơn với giả cả hợp lý hơn. Các mô hình thức ăn nhanh truyền thống hầu như đều phải hiệu chỉnh theo hướng cao cấp hơn, áp dụng công nghệ để tạo ra dịch vụ tiện lợi hơn, cá nhân hóa hơn và đầu tư xây dựng trải nghiệm nhiều hơn cho khách hàng.
Nếu đến thăm một nhà hàng burger cao cấp mới của McDonald’s, khách hàng giờ đây có thể lựa chọn loại bánh, loại phô mai, loại sốt… theo ý mình. Bữa ăn sẽ được phục vụ tại bàn với vật dụng phục vụ cao cấp hơn, nhưng với giá cũng cao hơn gấp 2-3 lần một bữa thức ăn nhanh truyền thống.
Ngành thức ăn nhanh, do đó, tuy có sụt giảm về tốc độ tăng trưởng, vẫn là một ngành tiếp tục phát triển với tốc độ vừa phải và giá trị lớn. Sự chững lại này chỉ cho thấy nhu cầu sáng tạo, thay đổi mô hình cho phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng mới trên thế giới, đặc biệt là cơ hội cho những mô hình và thương hiệu chuỗi mới như thức ăn nhanh châu Á, ẩm thực đường phố, giao hàng tận nơi và thức ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư