Hủy
Thế giới

Sức hút "khó cưỡng" từ việc giao thương với Trung Quốc

Gia Khánh Thứ Năm | 29/02/2024 21:00

Bức tranh tổng thể rất rõ ràng: chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể ít được nhìn thấy, nhưng vẫn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Tuy sự hiện diện của chuỗi cung ứng Trung Quốc có thể mờ nhạt hơn trước, nhưng không dây chuyền sản xuất nào là không liên quan đến nước này.
 

Ông Donald Trump và Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ không cùng quan điểm trên nhiều phương diện nhưng khi nói đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung, suy nghĩ của họ lại giống nhau. Họ tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đơn giản là quá phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai.

Đó cũng là giới chức Mỹ đi khắp thế giới thúc đẩy việc chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các thị trường ít rủi ro hơn. Hưởng ứng động thái này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng lên tiếng về tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu kém của Trung Quốc, tình hình chính trị bất ổn ở nước này. 

Tuy nhiên, theo The Economist, mối quan hệ giữa hai nước vẫn được giữ vững. Mối quan hệ của hai nước sẽ không chia cắt được và một số thay đổi trong chuỗi cung ứng thậm chí có thể khiến hai nước xích lại gần nhau hơn.

Một bức tranh hoàn chỉnh về thương mại Mỹ - Trung sẽ bao gồm thương mại dịch vụ, tức cả việc Mỹ sử dụng các ứng dụng Trung Quốc và sự yêu thích của Trung Quốc dành cho phim Mỹ. Nhưng những dòng chảy này rất khó theo dõi, trong khi các nhà kinh tế đã tập trung vào thương mại hàng hóa.

Và số liệu tại đây sẽ cho thấy, Mỹ đang làm theo lời mình nói. Năm ngoái Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Theo số liệu của Mỹ, kể từ năm 2017, tỉ trọng hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc đã giảm 1/3 xuống còn khoảng 14%. Một phần của sự sụt giảm đó xảy ra sau khi ông Trump áp dụng mức thuế cao vào năm 2018. Một phần khác phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc: nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, nhiều chuỗi cung ứng ở châu Á sẽ không thể hoạt động được.

 

Tuy nhiên, chính những con số này cũng không nói lên được toàn bộ câu chuyện. Để hiểu lý do tại sao, hãy bắt đầu với các mức thuế của ông Trump, mà ông Biden phần lớn vẫn giữ nguyên. Trước khi chúng được giới thiệu vào năm 2018, số liệu thống kê của Mỹ cho thấy Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn số liệu thống kê của Trung Quốc. Giờ đây thì tình thế đảo ngược. Trung Quốc báo cáo rằng xuất khẩu của họ sang Mỹ đã tăng 30 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020-2023, trong khi Mỹ cho biết nhập khẩu từ Trung Quốc của họ giảm 100 tỉ USD. Nếu dữ liệu của Trung Quốc là chính xác thì tỷ trọng nhập khẩu từ Mỹ của nước này vẫn giảm, nhưng ít.

Điều gì tạo nên khoảng cách như vậy? Ông Adam Wolfe của Công ty tư vấn nghiên cứu chiến lược Absolute, cho rằng số liệu này phản ánh thực tế là các nhà nhập khẩu Mỹ đã báo cáo thấp số lượng họ mua từ Trung Quốc trong các danh mục bị áp thuế. Ông Wolfe ước tính rằng Mỹ hiện đã công bố lượng nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn 20-25%. Đồng thời, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm thuế đối với các nhà xuất khẩu, giảm bớt động cơ kê khai thiếu hàng hoá rời khỏi nước này.

Bên cạnh đó, dữ liệu do Ngân hàng Phát triển Châu Á công bố cho thấy tỷ lệ hoạt động kinh tế của một quốc gia có thể được truy nguyên từ các hoạt động kinh tế khác. Khi xem xét 35 ngành công nghiệp, The Economist tính toán rằng năm 2017 khu vực tư nhân Trung Quốc đóng góp trung bình 0,41% đầu vào của các công ty Mỹ. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng nó đã đánh bại mức 0,38% của Đức và 0,24% của Nhật Bản.

Đến năm 2022, thị phần của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 1,06%, tỷ lệ lớn hơn so với Đức hoặc Nhật Bản. Thật khó để biết chính xác điều gì đằng sau xu hướng này. Những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch có thể là một yếu tố khiến việc nhập khẩu thiết bị điện của Trung Quốc trở nên quan trọng hơn nhiều. Các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ của Mỹ dường như cũng ngày càng phụ thuộc vào tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của Trung Quốc. Dù nguyên nhân là gì thì các số liệu này đang phản ánh câu chuyện hoàn toàn khác với lời tuyên bố tách rời của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, giới chức nước này hoàn toàn không có ý định từ bỏ vai trò của đất nước họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào tháng 12, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đã ưu tiên mở rộng thương mại các sản phẩm trung gian (những sản phẩm được sử dụng để sản xuất hàng hóa thành phẩm). Các ngân hàng nhà nước đang chuyển hướng tín dụng từ bất động sản sang sản xuất, làm tăng nguy cơ dư thừa hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Và nhiều gã khổng lồ mới của ngành công nghiệp Trung Quốc, như Contemporary Amperex Technology, một hãng sản xuất pin; BOE Technology Group, sản xuất màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ; và LONGi Green Energy Technology, công ty sản xuất linh kiện cho các tấm pin mặt trời, có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ chiến lược này.

 

Quả thực, sự phát triển của các loại công ty này đã có tác động. Kể từ năm 2019, xuất khẩu hàng hóa trung gian toàn cầu của Trung Quốc đã tăng 32%, so với mức tăng của các loại hàng xuất khẩu khác, chẳng hạn như hàng thành phẩm, chỉ là 2%. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam, hai trong số những đối tác thương mại ưa thích của chính phủ Mỹ. Ngược lại, thương mại của Mỹ với các quốc gia này đang tăng lên - từ 4,1% lượng hàng hóa nhập khẩu vào năm 2017 lên 6,4% hiện nay. Kết hợp lại, những xu hướng này ngụ ý rằng hàng hoá trước khi đến Mỹ, được các quốc gia này sản xấut sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Cụ thể hơn, thể theo mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa Mỹ và Mexico, có một số nganh fđang bùng nổ, chẳng hạn như sản xuất ô tô. Sự tăng trưởng đó là điều Trung Quốc không đạt được vì nước này chưa bao giờ xuất khẩu số lượng lớn ô tô và phụ tùng sang Mỹ: năm 2018, Mỹ chỉ nhập khẩu 6% mặt hàng này từ Trung Quốc. Thế nhưng nhập khẩu vật tư công nghiệp từ Trung Quốc của Mexico đã tăng mạnh, tăng khoảng 40% kể từ năm 2019. 

Do đó, bức tranh tổng thể rất rõ ràng: chuỗi cung ứng của Trung Quốc có thể ít được nhìn thấy, nhưng vẫn cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.

Có thể bạn quan tâm: 

FDI lao dốc - Trung Quốc cần chuẩn bị cho kịch bản tệ nhất

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới