Hủy
Thế giới

Thái Lan trở thành "Detroit của châu Á" như thế nào?

Bá Ước Chủ Nhật | 15/07/2018 09:15

CNN Money

 
 
Nếu bạn mua một chiếc ôtô, đặc biệt là xe bán tải ở Đông Nam Á hay Úc, nhiều khả năng nó được sản xuất tại Thái Lan.

Trong nhiều thập niên trở lại đây, Thái Lan đã trở thành một thành trì của nền công nghiệp sản xuất ôtô. Nước này đã tự đặt cho mình biệt danh “Detroit của châu Á” (*). và cách gọi này là xứng đáng, vì nhiều lý do. Thái Lan hiện là quốc gia sản xuất ôtô đứng thứ 12 trên thế giới, và lớn nhất ở Đông Nam Á.

Các thương hiệu xe Nhật Bản như Toyota và Mitsubishi đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Thái Lan từ thập niên 1960, tiếp đó là các thương hiệu như GM, Ford, Mercedes và BMW. Một người phát ngôn của hãng GM cho biết nhà máy của hãng tại Thái Lan là đầu mối sản xuất cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Châu Phi, xe sản xuất tại đây được xuất khẩu đến 15 thị trường, bao gồm Úc và New Zealand

Thảm đỏ thuế + nhân công

Trong vòng 3 thập niên, Thái Lan đã áp mức thuế nhập khẩu lên đến 80% cho ôtô và 60% cho xe máy để đảm bảo việc sản xuất trong nước. Chính phủ đã trao quyền sở hữu đất cho các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cấp visa dễ dàng cho các nhà tư vấn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn dành các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư ngoại quốc. Các công ty chuyển việc sản xuất đến Thái Lan được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm. Ở một số khu vực trong nước, ví dụ như trung tâm sản xuất ôtô Rayong, nơi đặt nhà máy của Ford và GM, thuế có thể được giảm đến 50%.

Thái Lan còn có vị trí địa lý thuận lợi với các cảng biển và cảng hàng không giúp cho việc xuất khẩu dễ dàng hơn. Không giống Indonesia và vài quốc gia sản xuất ôtô khác, phần lớn linh kiện được Thái Lan tự sản xuất và cung cấp ngay trong nước với khoảng 1.500 nhà sản xuất, vì thế Thái Lan hầu như không cần nhập khẩu linh kiện ôtô. Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do với các nước trong khối ASEAN cũng là một lợi thế: các nhà sản xuất ôtô tại Thái Lan hầu như không phải đóng thuế hoặc chỉ đóng rất ít khi xuất khẩu xe vào các nước trong khối này.

Ngoài ra, giá nhân công tại Thái Lan cũng rẻ hơn so với các nước phát triển và Trung Quốc, tuy vẫn cao hơn các nước láng giềng. Nhưng sự thực là nhân công Thái Lan đã tích lũy được rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, đây cũng là một nhân tố quan trọng. “Đây là điều giúp chúng tôi giữ vững nguồn đầu tư khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước có nguồn nhân công rẻ hơn như Việt Nam hoặc Indonesia", phát biểu của ông Maxfield Brown, quản lý bộ phận Nghiên cứu kinh tế tại Công ty Dezan Shira & Associates.

Kế hoạch 6 năm

Năm 2002, Viện Ô tô Thái Lan tuyên bố một kế hoạch kéo dài 6 năm để biến Thái Lan thành “Detroit của Châu Á”. Từ năm 2000 đến năm 2017, sản xuất ôtô của Thái Lan tăng 383%.

Thai Lan tro thanh
 
 

Mặc dù xuất khẩu chiếm đến 60% sản lượng ôtô của Thái Lan, nhưng thị trường nội địa cũng đang thể hiện dấu hiệu lớn mạnh vì sự gia tăng của tần lớp trung lưu Thái Lan. Năm 2013, chỉ còn 18% hộ gia đình Thái Lan là không sở hữu ôtô, theo một nghiên cứu về nhu cầu ôtô của Công ty Khảo sát toàn cầu Nielsen.

Tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến 400 triệu người vào năm 2020, theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Đây là một cơ hội khổng lồ cho ngành sản xuất ôtô Thái Lan.

Thái Lan vượt trội trong sản xuất các ôtô thương mại, đặc biệt là các xe bán tải có tải trọng 1 tấn, ví dụ như Chevrolet Colorado và Ford Ranger. Thái Lan là thị trường xe bán tải lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Phần lớn nước này là vùng đồng quê, do đó xe bán tải là một lựa chọn kinh tế cho các gia đình lớn, trẻ em thường ngồi ở thùng xe mở phía sau.

Hãng GM chỉ sản xuất 2 loại xe tại Thái Lan: Colorado và Chevy Trailblazer SUV. Theo báo cáo cho thấy xe bán tải chiếm đến 42% thị trường ôtô tại Thái Lan. “Từ năm 200 đến nay, GM đã đầu tư 2 tỉ USD cho các nhà máy sản xuất tại Rayong.”, một người phát ngôn của GM cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Thái Lan thông qua các nhà phân phối, sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi.”

Trong năm 2017, Thái Lan sản xuất 1,2 triệu ôtô cho mục đích thương mại và 818.000 xe gia dụng. Ngược lại, Indonesia lại sản xuất 234.000 xe thương mại và 982.000 xe gia dụng. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng xe bán ra tại Thái Lan tiếp tục tăng 18%. Người phát ngôn của Mercedes-Benz – hãng chỉ sản xuất xe chở khách tại Thái Lan – cho biết năm 2017 là năm phát triển nhất của hãng với doanh số đến 14.000 chiếc.

Hành lang phía Đông

Để tiếp tục giữ vững đà phát triển, Chính phủ Thái muốn thu hút các nhà sản xuất xe hơi thân thiện môi trường và xe điện đến với nước này, như một phần trong dự án trị giá 45 tỉ USD vừa được thông qua hồi tháng 2, mang tên Hành lang ôtô phía Đông.

Dự án này bao gồm rất nhiều các giao dịch và kế hoạch phát triển để thúc đẩy trung tâm công nghiệp Rayong và các khu vực xung quanh. Thái Lan sẽ tiếp tục miễn thuế và cấp visa nhanh cho các nhà đầu tư, đồng thời cho thuê đất lên đến 99 năm.

Ủy ban Đầu tư Quốc gia Thái Lan dự đoán nước này sẽ sản xuất 3 triệu xe vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 8 thế giới.

Tuy nhiên các bất ổn chính trị cũng làm các nhà đầu tư lo ngại, theo báo cáo của ông Josh Kurlantzick, thành viên cao cấp đại diện Đông Nam Á tại Hội đồng quan hệ đối ngoại CFR. Các cuộc đảo chính năm 2006 và 2014 cũng làm các nhà đầu tư lo sợ. “Các cuộc đối đầu chính trị nhiều năm qua đã làm giảm bớt sự thu hút của Thái Lan.”

Cạnh tranh từ các nước láng giềng cũng tăng lên nhưng viễn cảnh của Thái Lan vẫn tươi sáng. “Thị trường ôtô nội địa của Indonesia đang tăng trưởng đều đặn trong những năm gần đây nhưng vẫn tụt hậu so với Thái Lan cả về số lượng lẫn sự tinh vi của chuỗi cung ứng”.

(*): Detroit: trung tâm sản xuất ôtô của Mỹ.

Nguồn CNN Money


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới