Thử thách Putinomics trong cuộc bầu cử Nga 2018
Sau 18 năm cầm quyền, Vladimir Putin chuẩn bị bước vào một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư sau cuộc bầu cử ngày 18/3/2018. Thách thức nào đặt ra trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm sắp tới của vị tổng thống đầy quyền lực này?
Vladimir Putin, 66 tuổi, liên tục điều hành đất nước từ năm 2000. Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Putin đã vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ của một nước Nga sau nhiều năm đình đốn và sự sụp đổ của Liên Xô. 2000-2008 là giai đoạn Vladimir Putin đem lại nhiều hy vọng cho người dân Nga khi bình ổn kinh tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, GDP của nước Nga tính bằng đồng USD, đã được nhân lên gấp ba trong giai đoạn 2000-2006. Trên sàn chứng khoán, chỉ số của Moscow tăng vọt, đặc biệt là trong hai năm 2005 và 2006.
Nhưng từ giữa năm 2014 cho tới cuối năm 2016, dầu hỏa mất giá 25% rồi có lúc rơi xuống còn 32 USD một thùng. Là động lực của kinh tế Nga, giá dầu sụt giảm khiến nước Nga đang từ nền kinh tế thứ 10 của thế giới, bị đẩy lui xuống hạng thứ 16.
Năm 2014, Nga hứng thêm lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu do cáo buộc Nga xâm chiếm bán đảo Crimée của Ukraina. Trong hai tuần lễ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11/2014 đồng tiền của Nga mất giá 19% so với USD.
Kinh tế Nga sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết |
Hậu quả kèm theo là số người nghèo tăng mạnh, mãi lực của tầng lớp trung lưu giảm sụt. 2016 làm năm có tới hơn 20 triệu trên tổng số 150 triệu dân Nga sống dưới ngưỡng nghèo khó theo định nghĩa của Ngân hàng Thế Giới.
Vào thời điểm kinh tế sát bên bờ vực thẳm, trong cuộc bầu cử năm 2016, vẫn có tới 63% cử tri tuyên bố ý định bỏ phiếu cho Vladimir Putin và vẫn nuôi hy vọng vị tổng thống quyền lực này có thể vực dậy nước Nga một lần nữa.
Các dự báo kinh tế của các cơ quan quốc tế hiện nay cho thấy kinh tế Nga đã được cải thiện từ năm 2017: giá dầu được giữ ở mức từ 55 - 65 USD, đồng rúp ổn định và khác với 2015, lạm phát sẽ được giữ ở mức 4 % chứ không phải là 15% ba năm trước đây. Từ năm ngoái GDP tăng lên trở lại đạt 1,6%. Cơ quan thống kê Rosstat và bộ Kinh Tế Nga dự báo tăng trưởng năm nay cũng sẽ đạt 2%.
Nền kinh tế Nga hiện đứng thứ 6 thế giới theo PPP, với GDP khoảng 4.000 tỷ USD. Hãng kiểm toán PwC dự đoán tới năm 2050, Nga sẽ trở thành nền kinh tế số 1 ở châu Âu, vượt cả Đức và Anh.
Vào thời điểm năm 1999, nền kinh tế Nga tính theo PPP chỉ ở mức 620 tỷ USD. Trải qua 18 năm gắn với các nhiệm kỳ tổng thống và thủ tướng của ông Putin, sức tăng trưởng của kinh tế Nga đã lên tới 600%. Tỷ lệ lạm phát tại Nga đã giảm từ 36,5% xuống còn 2,5% vào cuối năm 2017. Tổng giá trị tài sản của hệ thống ngân hàng Nga tăng gấp 24 lần, lên 1,43 nghìn tỷ USD. Vốn thị trường chứng khoán Nga tăng gấp hơn 15 lần, lên 621 tỷ USD.
Vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% sản lượng kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, mọi con số đã thay đổi đáng kể trong 18 năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 17,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD. Nợ công thấp và dự trữ ngoại hối tăng giúp Nga vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đợt suy thoái trong giai đoạn 2014-2016 do giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Dự trữ vàng của Nga đã tăng hơn 500% kể từ năm 2000. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bổ sung 9,3 tấn vàng vào kho dự trữ vào tháng 12/2017, nâng tổng sổ vàng dự trữ hàng năm lên con số kỷ lục là 1.838,211 tấn, tương đương tổng giá trị hơn 76 tỷ USD. Theo Hội đồng Vàng thế giới, Nga không chỉ là nước mua vàng lớn nhất mà còn là nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 thế giới.
Kinh tế Nga biến động theo giá dầu |
Cách điều hành kinh tế của ông Putin khiến phương tây đưa ra khái niệm “Putinomics” với trụ cột là ngành năng lượng và hàng triệu người lao động trong các nhà máy dầu mà kinh tế Nga đã đứng vững được trong giai đoạn 2014-2016. Thêm vào đó ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, Putin vẫn dành ưu tiên cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Cùng với ngành dầu khí, đây sẽ là đầu tàu kéo kinh tế Nga đi lên.
Tuy nhiên, hãng IHS Markit nhận định việc ông Putin tái đắc cử sẽ khiến Moscow không thực hiện các bước cải cách cần thiết để kinh tế có thể phát triển hết tiềm năng của mình. Trong 18 cầm quyền của ông, nền kinh tế Nga vẫn quá phụ thuộc vào dầu mỏ và không đa dạng hóa nền kinh tế. Nga là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới nhưng ngành công nghiệp này đang có nhiều biến động với các dạng năng lượng mới hình thành.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng mức tăng trưởng kinh tế của Nga trung bình sẽ chỉ đạt 1,5% trong vòng 5 năm tới. Nếu giá dầu giảm, tăng trưởng sẽ còn yếu hơn thế rất nhiều. Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga đạt 14 tỉ USD, cao hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên ngân hàng Santander của Tây Ban Nha cho biết, mức độ đầu tư này là rất thấp so với tiềm năng của Nga. Lệnh cấm vận cũng khiến các công ty Nga khó có cơ hội phát triển ở nước ngoài.
Đây cũng sẽ là thách thức lớn nhất của ông Putin nếu tái đắc cử. Mặc dù vậy, số liệu của Viện Pew mới đây cho thấy 87% số người được hỏi tin tưởng vào các quyết định của Tổng thống Putin khi xử lý đối ngoại. Thậm chí, khoảng 58% số người được hỏi cho biết họ thỏa mãn với những gì đang diễn ra với nước Nga hiện nay bất chấp các lệnh trừng phạt tại từ Phương Tây.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 59% người Nga tin rằng quốc gia của họ đang đóng vai trò quan trọng hơn với thế giới so với 1 thập niên trước đây. Năm 2012, chỉ 12% số người Nga cho biết họ cảm thấy quốc gia của họ được thế giới tôn trọng thì con số này đã tăng lên 34% hiện nay.
Như phương Tây đánh giá, niềm tự hào dân tộc là động lực lớn nhất của "gấu Nga". Đây cũng là thứ "vũ khí" mà ông Putin luôn sử dụng mỗi khi nước Nga có biến động.
Tuy nhiên, danh tiếng của Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ mới sẽ phụ thuộc vào chương trình cải cách kinh tế và những động thái của Điện Kremlin trong nước.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư