Trung Quốc đưa các lò thép sang ASEAN
Trong vòng 4 năm qua, các công ty thép Trung Quốc đóng góp tới 40% tổng mức tiêu thụ thép của ASEAN. Ảnh: Quý Hòa
→Toàn cảnh thị trường thép thế giới
→Nhu cầu thép thành phẩm sẽ tăng 10-15% trong năm 2018
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã rót hàng tỉ USD vào các dự án than đá và thép khi họ theo đuổi các thị trường mới bằng cách chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á.
Thực vậy, trong vòng 4 năm qua, các công ty thép Trung Quốc đã “đóng góp” tới 32 triệu tấn công suất thép hằng năm trong các dự án thép mới ở Indonesia và Malaysia, theo tính toán của Financial Times, tương đương với hơn 40% tổng mức tiêu thụ thép vào năm 2016 của 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thép là một mặt hàng gây tranh cãi khi căng thẳng thương mại bùng nổ giữa Washington và Bắc Kinh, theo đó Mỹ áp các mức thuế quan lên thép thế giới trong bối cảnh thép Trung Quốc đang tràn ngập các thị trường quốc tế. Cộng với nhu cầu nội địa của Trung Quốc tăng mạnh vào năm ngoái, các mức thuế quan của Mỹ đã khiến Trung Quốc giảm lượng thép xuất khẩu.
Thay vào đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã chọn cách di dời các cơ sở sản xuất hoặc đầu tư vào các nhà máy ở nước ngoài, chủ yếu là ở Đông Nam Á để sản xuất và bán hàng trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh mà không phải lo lắng gì về việc bị áp mức thuế quan.
Mặt khác, mức thu nhập đang tăng nhanh ở Đông Nam Á cũng đồng nghĩa với cơn bùng nổ về sản xuất ô tô và xây dựng, trong khi đây là 2 ngành “ngốn” một lượng thép khổng lồ. Bằng chứng là Indonesia và Malaysia vẫn nhập khẩu hơn phân nửa lượng thép mà họ tiêu thụ mỗi năm.
Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc, sự chuyển dịch này là để củng cố quyền lực thống trị của họ. Xét về sản lượng, ngành thép Trung Quốc là lớn nhất thế giới, chủ yếu nhờ hàng thập niên duy trì sức cầu mạnh mẽ trong nước.
Thế nhưng, điều này đang thay đổi khi các nhà chức trách Trung Quốc đã cắt mạnh sản lượng thép và gói kích cầu khổng lồ trong nước đang được rút lại. “Các cơ hội đầu tư của Trung Quốc tại thị trường nội địa đang giảm mạnh, vì thế các doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở các thị trường nước ngoài”, Tomas Gutierrez, biên tập viên về châu Á thuộc tạp chí trong ngành Kallanish Commodities, nhận định.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các ngành liên quan đến thép như quặng sắt và niken, vốn là những nguyên liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất thép không gỉ.
Tại Indonesia, tập đoàn Trung Quốc Tsingshan Group đầu tư vào dự án mở rộng một lò nấu chảy niken cấp thấp với công suất hằng năm 1,5 triệu tấn, bằng cách vay 384 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), một tổ chức cho vay chính sách thuộc sở hữu nhà nước.
Tại Malaysia, Xinwuan Steel Group và MCC Overseas, một chi nhánh xây dựng của tập đoàn nhà nước Minmetals, đang xây dựng một nhà máy luyện than cốc và nhà máy xi măng gần một nhà máy thép mới trị giá 3 tỉ USD.
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã giảm công suất sản xuất thép lên tới 150 triệu tấn nhằm tinh lọc và chỉnh đốn các ngành công nghiệp đã lỗi thời và giảm thiểu tác hại gây ra cho môi trường. Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng đền bù cho phần công suất bị cắt giảm này bằng cách dựng lên các nhà máy thép ở bên ngoài lãnh thổ.
Chẳng hạn, Jianlong Group, một trong những tập đoàn tư nhân sản xuất thép lớn nhất tại “vựa” thép tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã và đang thâu tóm công suất sản xuất ở các tỉnh khác và thậm chí vươn cánh tay ra nước ngoài để tránh các quy định nghiêm ngặt về hạn chế công suất sản xuất thép của tỉnh Hà Bắc.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói rằng nhân tố lớn nhất đằng sau cuộc thập tự chinh ra nước ngoài của các nhà sản xuất thép Trung Quốc chính là tham vọng lớn muốn sản xuất và bán trực tiếp tại các thị trường đang tăng trưởng nhanh, trong đó có Đông Nam Á và tránh các mức thuế quan của Mỹ.
“Khi nhiều quốc gia phát triển đi lên, họ thích được tự cung tự cấp hơn, họ thích có được ngành thép của riêng mình”, Paul Bartholomew, nhà điều hành cấp cao tại S&P Global Platts, một tổ chức cung cấp thông tin về hàng hóa và năng lượng, nhận định. Bartholomew cũng lưu ý rằng tham vọng muốn độc lập về sản xuất vẫn được hun đúc, mặc dù công suất sản xuất thép của thế giới đang dư thừa.
Trong khi đó, các công ty thép và các nhà thầu Trung Quốc lại được tiếp cận dòng vốn vay giá rẻ từ các ngân hàng quốc doanh trong nước, cho phép họ trở thành những nhà đấu thầu giá rẻ và hấp dẫn trong các dự án ở Đông Nam Á.
Việc thâu tóm cổ phần trong ngành thép nội địa của Đông Nam Á cũng đang diễn ra khi xuất khẩu thép Trung Quốc sang khu vực này đang giảm xuống. Xuất khẩu thép sang các nước ASEAN đã giảm tới 42% trong suốt 9 tháng đầu tiên của năm 2016, giảm mạnh hơn cả mức giảm 30% của thế giới, theo Hiệp hội Sắt Thép Đông Nam Á.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư