Hủy

Bộ Công Thương lên kế hoạch có thêm “điều kiện kinh doanh”

Vân Nguyễn Thứ Hai | 18/06/2018 09:15

Mua sắm tại Big C. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Đang có nhiều điểm bất hợp lý trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công thương đưa ra.

Dự thảo Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến có nhiều quy định mới so với hiện nay, như buộc siêu thị phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 – 22 giờ mỗi ngày. Hay siêu thị mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá và mỗi đợt phải diễn ra tối thiểu trong 30 ngày…

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những quy định này là “không hợp lý”. Ông cũng nói “đó là sự can thiệp quá mức vào hoạt động của doanh nghiệp”.

Ông nói, người dân và doanh nghiệp sẽ “nghi ngờ về cam kết cải cách”. Theo ông, đưa ra những quy định này là thể hiện sự không nhất quán, không nhất quán chuyển đổi quản lý thị trường, thay đổi cách thức quản lý nhà nước.

Người đứng đầu CIEM nhận định, cơ quan này, nếu đưa ra những quy định như thế, “chỉ làm phức tạp thêm tình hình, giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, ngăn cản thị trường nhiều hơn”.

Viện trưởng CIEM nói rằng: “Cái quan trọng nhất là nhu cầu thị trường và doanh nghiệp nhìn thị trường thế nào để hoạt động”. Ông khuyến cáo: “Hãy để cho doanh nghiệp tự do sáng tạo, tự tìm kiếm những cách thức tốt nhất của nhu cầu thị trường”.

TS Cung nói rằng, nên đặt điều kiện như thế này: Một siêu thị không được đặt ra những điều kiện không công bằng trong việc người sản xuất đưa hàng vào siêu thị. Phải đảm bảo một khi tiếp cận, bất cứ người sản xuất nào cũng có quyền bán hàng vào siêu thị. Siêu thị không được đặt ra những điều kiện trong việc phân biệt đối xử và đưa hàng vào siêu thị.

Theo ông Cung, các quy định phải dựa trên việc bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà sản xuất. Cạnh tranh công bằng luôn là công cụ tốt nhất. Các nhà hoạch định chính sách phải luôn suy nghĩ rằng, chính sách của nhà nước là cạnh tranh công bằng.

Người đứng đầu CIEM khẳng định, Bộ công thương phải đi đầu trong việc này. Ông bộ trưởng phải có nguyên tắc chỉ đạo trong việc quản lý nhà nước, luôn đặt thị, bảo vệ tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng và và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Phải đặt ra nguyên tắc đó, đừng đặt ra những quy định không cần thiết.

Trước những phản ứng của dư luận, Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương, vẫn khẳng định, đây mới là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo này là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp.

Dự thảo cũng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan

Ngoài ra, dự thảo còn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối; bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11.11.2017 của Văn phòng Chính phủ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới