Hủy

Đặc khu và viễn cảnh “thiên đường thuế”

Hải Vân Chủ Nhật | 27/05/2018 10:06

Phú Quốc đang hình thành một đặc khu sôi động.

 
 
Người kinh doanh đang “đuổi theo” các điều chỉnh chính sách, thậm chí muốn lập doanh nghiệp mới ở các đặc khu để trốn thuế, lách thuế.

Việt Nam đang “đánh cược” làm đặc khu kinh tế

Nhiều người đang kinh doanh vẫn muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại các đặc khu kinh tế. Một số hướng đến mục tiêu tối ưu thuế trong khi một số khác lại đặt nặng vấn đề lách thuế, trốn thuế.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đang kinh doanh ở Hà Nội đã không ngần ngại đặt ra vấn đề này tại Hội thảo “Đảm bảo tài chính bền vững cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) tổ chức hôm 23.5.

“Đuổi theo” ưu đãi

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, nói rằng, việc thành lập “công ty giấy” hay viễn cảnh các đặc khu trở thành thiên thiên đường thuế là “rất mong manh”.

Việt Nam đặt mục tiêu thành lập các đặc khu là để “tối ưu hóa nguồn lực” cho phát triển kinh tế. Quốc hội Việt Nam, hôm 22.5, đã thảo luận tại nghị trường về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 

Đến nay, ba đặc khu được chọn là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, với các ưu đãi thuế được cho là chỉ sau các thiên đường thuế trên thế giới. Nhưng những ưu đãi này chỉ thực sự được luật hóa sau khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được ban hành cùng Nghị quyết thành lập 3 đặc khu.  

Việc lập mới doanh nghiệp tại các đặc khu để trốn thuế, lách thuế, ông Bùi Tuấn Minh nói là “hoàn toàn mở”, thậm chí có thể không bị phát hiện trong 1,2 năm tới. Nhưng ông cũng cảnh báo những rủi ro, khó khăn trong tương lai, chưa kể đến việc doanh nghiệp phải “đuổi theo” các điều chỉnh chính sách.  

Việt Nam từng dành nhiều ưu đãi thuế để hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp… và bây giờ là ưu đãi thuế cho các đặc khu kinh tế. Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam  cho rằng, trong tương lai sẽ có thêm ưu đãi thuế cho các lĩnh vực khác.

Hai sổ kế toán

Tại Việt Nam, cải cách thuế và quản lý thuế được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay Việt Nam đến nay vẫn là một quốc gia có nhiều thủ tục về thuế nhất so với các nước trong khu vực. Việc thanh tra thuế và hoàn thuế rất khó khăn, trong khi tần suất thanh tra, kiểm tra thuế dù đã giảm, nhưng vẫn khá đều đặn. Nếu 10 năm trước, thanh kiểm tra về thuế là 4-5 lần/năm, còn bây giờ là 2-3 lần/năm.

Theo quan sát của Deloitte, chỉ tiêu thu thuế ngày càng tăng cao, làm gia tăng “gánh nặng” cho chính các chi cục thuế. Chỉ tiêu thu thuế của Cục Thuế Hà Nội năm 2018 đã tăng tới 20% so với năm 2017. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam lại muốn trả thuế càng ít càng tốt.

Đang có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam nỗ lực giảm nghĩa vụ thanh toán thuế đối với Chính phủ bằng việc sử dụng hai sổ kể toán với giải thích: Một sổ dành cho mục đích quản trị nội bộ doanh nghiệp và một sổ dành cho vấn đề thuế.

Rủi ro từ việc doanh nghiệp sử dụng hai sổ kế toán là rất lớn. Hiện cơ quan thuế quy định mức phạt hai sổ kế toán rất cao. Doanh nghiệp sẽ phải trả đến 3 lần nghĩa vụ thuế, đồng thời phải chịu thêm các khoản phí liên quan khác, chẳng hạn phạt nộp chậm.

Thêm nữa, việc thẩm định chi tiết doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi doanh nghiệp phát triển đến một mức nhất định trong 5 hoặc 10 năm tới, muốn bán bớt một phần, thoái vốn hoặc hợp nhất thành một công ty lớn hơn.

Deloitte của ông Minh đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A với các công ty nước ngoài, doanh nghiệp trong nước không chỉ trải qua phần đàm phán “đau thương” mà tổn thất về “lòng tin” cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị của doanh nghiệp là rất lớn bắt nguồn từ việc có hai sổ kế toán.

Ông Minh, người từng tư vấn thuế cho nhiều khách hàng đa quốc gia của Deloitte, nói rằng: “Không có một phương án tối ưu về chi phí thuế”. Theo ông, việc xây dựng được hệ thống để tối ưu hóa về chi phí thuế chắc chắn tốt hơn việc trốn thuế thông qua các hóa đơn chứng từ.

Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng Chính phủ nên xây dựng chính sách thuế ổn định, tạo ra một môi trường mà ở đó việc nộp thuế là có thể dự đoán được. Ông cho rằng, Chính phủ đang cân nhắc thay đổi chính sách thuế nhưng không quan tâm tới tình trạng làm ăn thua lỗ của doanh nghiệp.

Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm 2017-2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ghi nhận, năm 2017, chỉ một nửa số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh còn đang hoạt động, nhưng trong số các doanh nghiệp đang hoạt động này, có đến 60% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi.

Mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra năm 2016, ngay khi ông trở thành Thủ tướng. Kể từ đó, Chính phủ cũng nỗ lực hơn trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm hỗ trợ các SMEs và Starup phát triển.

Tại thời điểm này, khi Bộ Tài chính cũng đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi 6 luật thuế nhằm mở rộng cơ sở thuế: Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế tài nguyên và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp tiếp tục là đối tượng chính chịu sự điều chỉnh từ 6 luật thuế này. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để các chính sách thuế mới có thể áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp SMEs và khuyến khích Starup ?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới