FDI chạm ngưỡng 23 tỷ USD
Tính chung 7 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 18,67 tỷ USD kể cả dầu thô. Ảnh: Quý Hòa
→FDI: Thảm đỏ và công nghệ xám
→30 năm thu hút FDI: "Chủ yếu là lắp ráp"
Theo đó, trong 7 tháng qua, đã có 1.656 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,2 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017 và có 627 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 7 tháng năm 2018, cả nước có 3.331 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ 2017.
Như vậy, trong 7 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 22,94 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong 7 tháng năm 2018, xuất khẩu của khu vực FDI kể cả dầu thô đạt 95,13 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71,2% kim ngạch xuất khẩu. xuất khẩu không kể dầu thô đạt 93,36 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 69,8% kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung 7 tháng, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 18,67 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 16,9 tỷ USD không kể dầu thô.
Nhật Bản dẫn đầu đầu tư
Trong 7 tháng năm 2018, có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 6,88 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,46 tỷ USD, chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,73 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư...
Hà Nội hút nhiều vốn nhất
Trong bảy tháng năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 4,12 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,15 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư...
Đầu tư ra nước ngoài hơn 238 triệu USD
Trong bảy tháng năm 2018, cả nước có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 238,33 triệu USD, có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 41,3 triệu USD. Tính chung trong bảy tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 279,63 triệu USD.
Trong 7 tháng năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 84 triệu USD, chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ hai với 37,1 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư. Với một dự án có vốn đầu tư Việt Nam là 35,93 triệu USD, Slovakia xếp thứ ba và chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Cuba, Myanmar.
Nguồn Tổng cục hải quan
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư