FTA Việt Nam- EU: Áp lực tới phần việc sau cùng
Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu -Quý Hòa
Áp lực cuối nhiệm kỳ
Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, chiều 27.7 đã nói với NCĐT về hy vọng Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này của Nghị viện châu Âu. Trên thực tế, nhiệm kỳ của Nghị viện Châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 3.2019.
“Tôi hi vọng, việc ký kết sẽ diễn ra trong tháng 10, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”, ông Bernd Lange, người đã có những chuyến ngoại giao con thoi tới Việt Nam bởi hiệp định này, cho biết.
Đến nay, đàm phán đã hoàn tất, nhưng cần thời gian cho hai việc. Thứ nhất, chữ ký của hai phía, Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Châu Âu. Thứ hai, biên dịch văn kiện hiệp định sang 24 ngôn ngữ chính thức của EU và chuyển đến 28 nước thành viên để họ xem xét.
“Đây phải là trách nhiệm của cả 2 phía trong quá trình xem xét phê chuẩn Hiệp định này”, ông Bernd Lange nói. “Tôi đã cố gắng thúc đẩy quá trình này, cũng như thúc đẩy các nhà biên dịch tăng tốc”.
“Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.
“Tôi chưa nghe thấy ý kiến nào từ một quốc gia thành viên liên minh EU liên quan tới khả năng Hiệp định này sẽ bị trì hoãn ở các bước tiếp theo”, ông Bernd Lange nói với NCĐT.
Kỳ vọng rõ ràng là các bên liên quan đã nỗ lực để thực hiện khuôn khổ đã được thống nhất. Ví dụ khuôn khổ Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện sẽ sớm được thực thi, cũng như FTA giữa hai bên cũng sớm được thực hiện hóa trên cơ sở tôn trọng các vấn đề nội bộ của nhau.
Nghị viện châu Âu sẽ có bầu cử vào ngày 26.5.2019. Vị Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu “hy vọng rằng mọi việc sẽ được quyết định trong nhiệm kỳ này”, dự kiến kết thúc vào tháng 3.2019.
Cam kết mang tính ràng buộc
Trên thực tế, EVFTA có mối liên hệ trực tiếp với thực hiện Tuyên bố 1998 của ILO với các điều kiện thương mại. EVFTA yêu cầu nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ. Các quyền này được quy định trong 8 công ước cơ bản của ILO.
Tại Chương thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA, nghĩa vụ của Việt Nam là phê chuẩn 8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thành viên nội khối EU nhấn mạnh đến các quy định về quyền lao động, để đảm bảo rằng tự do thương mại sẽ đóng góp vào phát triển bền vững, đồng thời giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Giám đốc ILO Việt Nam, ông Chang-Hee Lee, cho biết, Việt Nam chưa phê chuẩn ba công ước cơ bản: Công ước số 87 về tự do liên kết, Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể và Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Việt Nam đã trở thành thành viên của ILO từ năm 1992, nhưng ông Chang-Hee Lee cho rằng, vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Ông dẫn chứng, đã có hơn 6.000 cuộc đình công tự phát kể từ giữa những năm 1990.
Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng không hiếm trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở lại là quản lý cấp cao của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, quyền công đoàn là quyền của người lao động và công đoàn là tổ chức của người lao động, không bị giới sử dụng lao động can thiệp.
“Đồng nghiệp của tôi tại Nghị viện châu Âu cũng quan tâm tới công ước cốt lõi của ILO phải được phê chuẩn. Theo đó, bên đối tác phải thể hiện cam kết đầy đủ trong phê chuẩn các công ước này trước khi Nghị viện Châu Âu tiến hành xem xét để phê chuẩn hiệp định”, ông Bernd Lange cho biết.
Với EVFTA, ông Bernd Lange nói, cần tránh tạo ra cạnh tranh và lợi thế phê chuẩn hiệp định trong việc vi phạm về môi trường và vi phạm về xã hội khi hiệp định đi vào thực thi.
Phê chuẩn 8 công ước của ILO, yêu cầu này là không riêng với Việt Nam. Ông dẫn chứng đàm phán FTA với Canada, khi nước này mới phê chuẩn 5/8 công ước. Chính phủ Canada đã phải đưa ra những cam kết trước khi FTA được ký với EU.
Với Việt Nam, ông Bernd Lange gợi ý, với 8 công ước cốt lõi, không nhất thiết phải được phê chuẩn toàn bộ trước khi EU phê chuẩn hiệp định, nhưng “phải thể hiện được cam kết mang tính giàng buộc từ phía đối tác về một lộ trình về phê chuẩn, quá trình thực thi và giám sát quá trình thực thi”.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư