Hủy

Giá nhân công Việt Nam không còn rẻ

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 27/07/2018 09:15

Chi phí nhân công dệt may ở Việt Nam là từ 26-30%. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Doanh nghiệp kiến nghị không tăng lương, hoặc tăng ở mức hợp lý, để hỗ trợ ngành công nghiệp phát triển.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ngày 26.7, đã kết thúc Phiên họp lần thứ hai về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019. Tuy nhiên, “đại điện các bên đều chưa tìm được tiến nói chung”, bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết.

Nhiều tranh cãi

Đã có những vấn đề lớn gây nhiều tranh cãi, như cách xác định mức sống tối thiểu. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm lương tối thiểu vùng năm 2019 phải tăng lên mức 8%.

Rổ hàng hóa để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động đang là mối quan tâm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo tổ chức này, rổ hàng hóa là 724 nghìn đồng nhưng nay mới chỉ xác định là 660 nghìn đồng trong khi giá cả đang tăng lên.

Lấy lý do hỗ trợ doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết giữ phương án tăng lương năm 2019 phải ở mức 8% căn cứ theo tình hình tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như xu hướng phát triển của doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu ý, tại phiên họp lần 2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC), đại diện giới chủ, đồng ý không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019, dù không đưa ra bất cứ kế hoạch nào.

Việc các bên thảo luận để làm rõ các số liệu, căn cứ để xác định mức sống tối thiểu, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương nói là “cơ sở để thảo luận, đàm phán, thương lượng mức tăng lương năm 2019”.

Thách thức rất lớn

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia tinh thần cải cách tiền lương, trong phiên họp lần 1, ngày 9.7, đã khẳng định, theo Nghị quyết 27-NQ/TW, tới đây, Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cũng tại phiên họp ần trước, đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%, từ 220.000 - 330.000 đồng/tháng. Trong khi đó, VCCI, đại diện giới chủ, lại đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019 và giữ mức lương tối thiểu như hiện tại.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2017 đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu 2018 là 6,5% so với mức lương tối thiểu 2017, một trong những căn cứ quan trọng để Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CP điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2018. Theo đó, lương tối thiểu vùng năm 2018 được điều chỉnh tăng từ mức 180.000 - 220.000 đồng, trên 4 vùng lương, tính từ 1.1.2018.

Trên thực tế, lương tối thiểu tăng liên tục trong nhiều năm đã tác động mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành thâm dụng lao động, như dệt may, da giày. Mức lương tối thiểu hiện nay được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang, tại hội thảo hôm 18.7, khẳng định, “giá nhân công của Việt Nam không còn rẻ nữa”. Theo ông, không nên tăng lương vào thời điểm này, khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn ở sản xuất trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

VITAS đã hơn một lần cảnh báo về tình trạng dịch chuyển đơn hàng sang Bangladesh. So với các doanh nghiệp Việt Nam, Bangladesh có lợi thế khá rõ ràng về nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế quan. Chi phí nhân công tại các nhà máy dệt may ở Bangladesh chiếm khoảng 20% giá vốn trong khi con số này ở Việt Nam là từ 26-30%.

Gia nhan cong Viet Nam khong con re

Bangladesh hiện là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ở mức 28,1 tỷ USD. Cạnh tranh giành đơn hàng ngày một khốc liệt do ngành dệt may Bangladesh chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nước này, trong khi con số này ở Việt Nam chỉ là 15%.

Đề nghị không tăng lương, một vấn đề chính được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 đề cập hồi đầu tháng Bẩy. Hầu hết các đối tác đều cho rằng, chi phí nhân công tăng lên đã và đang làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhưng mới nhất, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), trong Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội mới đây đã đề nghị, hạn chế sự gia tăng của lương tối thiểu năm 2019.

JCCI khuyến cáo, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm cần dựa vào tình hình thực tế của kinh tế trong và ngoài nước và cần cân nhắc các yếu tố để có thể xây dựng tiêu chuẩn xác định tiền lương tối thiểu hợp lý không làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới