Quỹ Bảo hiểm xã hội: Áp lực ngày càng lớn
Hiện có khoảng 14,19 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ảnh: Quý Hòa
→Biến động thị trường bảo hiểm nhân thọ
→Dùng điện mặt trời được bảo hiểm
Mới đây, lần lượt Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và cả Agribank đứng ra công bố đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền lẫn người tham gia bảo hiểm trong sự việc bắt các cựu lãnh đạo liên quan trong vụ án cho vay Công ty Tài chính Nông nghiệp II (ALC II).
Nguyên tắc an toàn
ALC II đã tuyên bố phá sản và có liên quan đến bảo hiểm xã hội khiến nhiều người lo ngại về tương lai của quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng nếu nhìn ở góc độ đầu tư, câu chuyện quản lý quỹ bảo hiểm xã hội 27 tỉ USD này lại là chuyện khác.
Nếu so sánh, khoản nợ gốc của ALC II hiện là 769,3 tỉ đồng, chưa tính lãi là con số rất nhỏ so với số tiền thu về mỗi năm 40.500 tỉ đồng, với mức lợi nhuận bình quân hằng năm theo công bố của quỹ này là khoảng 7,45%.
Bảo hiểm xã hội là khoản tiền đóng góp của người lao động trong nền kinh tế, sau khi chi trả các khoản cần thiết, số tiền dư còn lại được góp vào quỹ để chi trả cho các khoản tương lai. Số dư lũy kế của quỹ bảo hiểm xã hội hiện gần 610.000 tỉ đồng (tương đương 27 tỉ USD) tính đến cuối năm 2017, tăng mạnh so với 234.000 tỉ đồng vào năm 2012, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Hiện nay, Luật quy định rõ nguyên tắc đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội là phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư. Vì vậy, danh mục đầu tư chỉ gồm trái phiếu chính phủ, hoặc cho ngân sách nhà nước vay, hoặc gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin mới đây cho thấy, có đến 90% số dư của Quỹ bảo hiểm xã hội là trái phiếu chính phủ.
Trên thực tế, đầu tư vào trái phiếu chính phủ được xem là hình thức an toàn gần như tuyệt đối. Đây cũng là hình thức đầu tư bắt buộc đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, vì giữ số tiền lớn của người dân trong một thời gian rất dài.
Những thách thức
Theo số liệu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện có khoảng 14,19 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Con số này vẫn còn thấp hơn so với số lao động ở Việt Nam. Quy mô quỹ bảo hiểm xã hội có thể mở rộng hơn nhiều trong tương lai khi tăng độ phủ.
Một báo cáo cho thấy lợi nhuận đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2013-2017 đạt gần 150.000 tỉ đồng. Riêng năm 2017, lợi nhuận đạt 37.500 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2012. Tỉ suất lợi nhuận bình quân là 7,32%. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là hiện mức sinh lời của Quỹ đang giảm dần.
Theo thống kê năm 2017, lãi suất phát hành trái phiếu có xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn (bình quân là 6,07%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2016, 0,19 điểm phần trăm so với năm 2015). Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI cho biết tình trạng này tiếp tục diễn ra trong 10 tháng đầu năm nay. “Lý do là nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ không cao trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm”, SSI nhận định. Điều này gây áp lực đáng kể lên một nhà đầu tư trái phiếu chính phủ có quy mô lớn như Bảo hiểm xã hội, dù mang lại thuận lợi cho Chính phủ vì giảm chi phí huy động vốn.
Một thách thức khác ở Việt Nam là thị trường đầu tư trái phiếu chưa đa dạng về mặt sản phẩm. Hiện nay, xu hướng trên thế giới là các quỹ hưu trí giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ, ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ Eastspring Investments, chia sẻ trước đó với báo giới.
Quỹ hưu trí đóng vai trò cực kỳ quan trọng ở các nước phát triển. Chẳng hạn tổng quỹ hưu trí ở 35 nước OECD chiếm khoảng 80% GDP. Danh mục đầu tư cũng đa dạng nhiều loại tài sản, bên cạnh trái phiếu vẫn là chủ lực.
Tuy nhiên, các quốc gia có nền tài chính phát triển thường có các quỹ hưu trí tư nhân phát triển mạnh. World Bank trong nhiều lần chia sẻ cũng nhắc đến việc xem xét phát triển song song hai hình thức. Theo đó, các quỹ hưu trí để đảm bảo tiền lương hưu cho người lao động trong tương lai có thể cân nhắc đến nhiều hình thức đóng, nhiều mức đóng và nhiều mức hưởng khác nhau, thay vì hệ thống đơn tầng như hiện nay. Hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam cũng công bố các gói giải pháp hưu trí, nhưng có vẻ như chưa thực sự thu hút được công chúng.
Mới đây, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, đưa ra cảnh báo khả năng thâm hụt sẽ bắt đầu từ năm 2030 nếu không cải cách hệ thống hưu trí, hiện đang đối mặt với nhiều thách thức là già hóa dân số nhanh, tỉ lệ thanh toán cao hơn mức đóng, người dân ngừng đóng bảo hiểm sớm hay nghỉ hưu sớm.
Thực ra, không chỉ Việt Nam phải đối mặt với vấn đề trả lương hưu cho người lao động trong tương lai. Đây là nỗi đau đầu chung của nhiều quốc gia khác trên thế giới vì con người sống thọ hơn, cũng như lợi nhuận từ danh mục đầu tư an toàn như trái phiếu ngày càng giảm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam