Hủy

Sau Anh, Úc rốt ráo đầu tư vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam

Minh Anh Thứ Năm | 24/05/2018 16:46

 
 
Nhiều nước muốn vào Việt Nam đầu tư vào ngành năng lượng, ngoài Anh, Mỹ, Nhật, Thái Lan… thì mới đây Úc là một ứng cử viên mới

Năng lượng là lĩnh vực then chốt 

Vừa qua, ngày 22.5, phái đoàn năng lượng Úc đã tới thăm Việt Nam, gặp gỡ với các đối tác trong ngành năng lượng và tham gia Hội nghị Năng lượng Việt Nam - Australia năm 2018, do Chính phủ Úc phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam tổ chức.

Phái đoàn năng lượng Australia bao gồm các doanh nghiệp, nhà thầu có tiếng trên thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật, mua sắm và xây dựng; các nhà cung cấp than, thiết bị và các công ty tư vấn quản lý dự án và thương mại.

“Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Úc và Việt Nam phát triển nhanh nhất trong tất cả các nền kinh tế Asean trong thập kỷ qua, với giao dịch thương mại và đầu tư hai chiều đạt mức 11,8 tỉ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Australia, ngược lại Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

“Năng lượng là một trong những lĩnh vực then chốt thúc đẩy thương mại song phương giữa hai quốc gia”, ông Shannon Leahy, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Úc chia sẻ. Hội nghị Năng lượng được tổ chức bởi Chính phủ Australia và Bộ Công thương Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý của Chính phủ và kiến thức chuyên ngành trong việc đáp ứng các nhu cầu và giải quyết các thách thức liên quan đến việc phát triển ngành năng lượng.

Tại Hội nghị này, Chính phủ Việt Nam đã giới thiệu về các dự án năng lượng lớn và các cơ hội hợp tác giữa Úc và Việt Nam. Trong khi đó, các đại diện Úc trình bày kinh nghiệm chuyên môn và khả năng cung ứng của nước này về than (than sạch), cơ sở hạ tầng, tư vấn, quản lý dự án, đổi mới công nghệ bao gồm cả năng lượng tái tạo.

Chuỗi cung ứng năng lượng của Úc phát triển mạnh với các giải pháp tiên tiến về than, khí đốt và năng lượng tái tạo. Úc cũng có kinh nghiệm quản lý chính sách tốt trong việc phát triển và điều tiết thị trường năng lượng. Kinh nghiệm và thế mạnh của Australia phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như phát triển bền vững ngành năng lượng.

Hiện Úc có nguồn dự trữ tài nguyên khoáng sản và năng lượng lớn, đây là nước sản xuất than, vàng, quặng sắt và uranium trong top đầu thế giới, và mục tiêu trong thời gian tới sẽ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu. Australia cũng được xếp hạng trong danh sách 15 quốc gia hàng đầu thế giới về phát điện từ năng lượng mặt trời và gió. Australia với nguồn tài nguyên dồi dào và thuận tiện về địa lý với châu Á đã củng cố vị thế cạnh tranh là quốc gia xuất khẩu khoáng sản và tài nguyên năng lượng lớn hàng đầu thế giới.

Việt Nam điểm đến mới của ngành năng lượng

Hồi tháng 3, Úc chia sẻ ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghiệp viễn thông; năng lượng, bao gồm năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, điện gió, năng lượng sinh học); quản lý quỹ; và thúc đẩy các dự án nông nghiệp, du lịch ở Việt Nam… Trước đó, năm 2017, Úc cũng từng đến Việt Nam tổ chức Diễn đàn về năng lượng nhằm đầu tư vào ngành này tại Việt Nam. Tại diễn đàn năm nay, Úc lại mong muốn được tiếp tục tham gia đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Vì họ thấy thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển.

Trong kế hoạch phát triển ngành điện của Việt Nam, than chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu năng lượng và vượt quá khả năng cung cấp từ nguồn than nội địa. Nhu cầu năng lượng rẻ và ổn định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp cho than tiếp tục là cấu phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

“Những cải tiến liên tục trong công nghệ khai thác mỏ, các biện pháp đảm bảo sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường, đã góp phần khẳng định Úc là quốc gia cung cấp nguồn than hiệu quả và đáng tin cậy có chất lượng cao và hàm lượng khí thải thấp. Theo xu hướng Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng than sạch và các giải pháp năng lượng tái tạo, ngành công nghiệp năng lượng Australia sẽ sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ", ông Shannon Leahy cho biết.

Chính phủ Úc, các cơ quan và nghiên cứu trong ngành năng lượng đang góp phần củng cố định hướng của Úc trong tương lai năng lượng của mình, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia tại Úc. Năng lượng gió và mặt trời tiếp tục phát triển, giảm bớt áp lực lên lưới điện của Úc và góp phần vào việc giảm lượng khí thải carbon.

Cũng trong tuần qua, phái đoàn doanh nghiệp Anh cũng sang tìm hiểu thị trường năng lượng của Việt Nam và mong muốn được hợp tác. Trong buổi làm việc này, thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tinh năng lượng do nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế tăng cao trong khi nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế.

Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), gồm 75,5% năng lượng thương mại và 24,5% năng lượng phi thương mại. Dự báo đến năm 2035 tổng nhu cầu năng lượng sẽ tăng gần 2,5 lần so với năm 2015, từ 54 triệu TOE năm 2015 lên khoảng 90 triệu TOE năm 2025 và 134,5 triệu TOE vào 2035.

Thực trạng trên khiến ngành năng lượng Việt Nam đang và sẽ đối mặt vấn đề án ninh năng lượng quốc gia do phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, bên cạnh việc phát triển năng lượng truyền thống, những năm gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo.

Chỉ riêng lĩnh vực điện mặt trời, sắp tới sẽ có 33 dự án đầu tư được triển khai. Doanh nghiệp nhiều quốc gia đã đầu tư vào các dự án năng lượng cũng như cung cấp thiết bị công nghệ cho các dự án năng lượng tại Việt Nam. Nổi bật nhất là Nhật, Hàn Quốc, Pháp. Trung Quốc, Ý… riêng doanh nghiệp Anh tham gia chưa nhiều.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới