Hủy

Thị trường nông sản 160 tỷ USD của Trung Quốc đang nhập khẩu những gì?

Thứ Hai | 26/06/2017 11:44

 
 
Là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới, trong năm 2015 Trung Quốc đã nhập khẩu lượng nông sản trị giá 160 tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đang có gần 1,4 tỷ dân và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Điều này đã khiến Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đất đai và nước sạch, trong khi năng suất nông nghiệp đã gần chạm đỉnh, và tình trạng ô nhiễm đất và sông ngòi chưa được giải quyết.

Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc hiện là lớn nhất thế giới. Theo nghiên cứu hồi năm 2013 của công ty tư vấn McKinsey, 75% dân số Trung Quốc (tương đương 700 triệu người) được dự báo sẽ nằm trong tầng lớp trung lưu vào năm 2022, so với mức 68% của năm 2012.

Với thu nhập bình quân hộ gia đình trong khoảng 9.000 - 34.000 USD/năm (số liệu năm 2012), giới trung lưu Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về thực phẩm đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu này.

Theo McKinsey, tầng lớp thượng trung lưu (upper middle class) hiện chỉ chiếm 14% số hộ gia đình ở các thành thị Trung Quốc, khá ít nếu so với tầng lớp trung lưu bình thường (mass middle class). Tuy nhiên, tới năm 2022, McKinsey ước tính tầng lớp thượng trung lưu sẽ vươn lên chiếm 54% số hộ gia đình ở thành thị.

Để đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm, các doanh nghiệp Trung Quốc đang di chuyển ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn cung nông sản mới. Một số đã khảo sát cơ hội, hoặc đã đầu tư vào Argentina, Brazil và Canada.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới. Năm 2015, Trung Quốc nhập khẩu lượng hàng nông sản trị giá 160 tỷ USD và xuất khẩu 73 tỷ USD, theo số liệu của WTO. 

Nguồn cung từ đâu?

Các mặt hàng nông sản được Trung Quốc nhập nhiều nhất là đậu nành, thịt, ngũ cốc và sữa. Năm 2016, Brazil và Mỹ chiếm phần lớn lượng đậu nành nhập khẩu vào Trung Quốc, còn Nga và Canada dẫn đầu về cá, New Zealand về sữa. Dưới đây là một số mặt hàng nông sản quan trọng và các nước cung cấp hàng đầu cho Trung Quốc:

- Đậu nành (38,3 tỷ USD): Brazil, Mỹ, Argentina và Canada.

- Cá và thủy sản (6,9 tỷ USD): Nga, Canada, New Zealand, Nauy và Indonesia.

- Nước giải khát và đồ uống có cồn (4,9 tỷ USD): Pháp, Mỹ, Úc, Đức, Chile, Tây Ban Nha.

- Ngũ cốc, bột mì, chế phẩm từ sữa (4,6 tỷ USD): Hà Lan, Ireland, New Zealand, Đức, Hàn Quốc, Đan Mạch, Singapore và Indonesia.

- Cao lương, lúa mạch, lúa mì và bắp (4,1 tỷ USD): Mỹ, Úc.

- Các sản phẩm sữa (3,5 tỷ USD): New Zealand, Úc, Pháp, Mỹ và Đức.

- Thịt heo (3,2 tỷ USD): Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Đan Mạch và Canada.

- Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (3,1 tỷ USD): Mỹ, Peru, Việt Nam, Canada và Thái Lan. Bột cá là thành phần chính.

- Thịt bò (2,5 tỷ USD): Brazil, Uruguay, Úc, New Zealand và Argentina.

- Nội tạng động vật (2,5 tỷ USD): Mỹ, Đức, Đan Mạch, Canada và Tây Ban Nha.

- Các chế phẩm thực phẩm khác (2,2 tỷ USD): Mỹ, Việt Nam, Úc, Thái Lan và Đài Loan. Xuất khẩu của Việt Nam bao gồm chiết xuất cà phê.

- Đường (1,5 tỷ USD): Brazil, Cuba, Hàn Quốc và Thái Lan.

- Thịt gà (1,3 tỷ USD): Brazil.

- Trái cây và rau quả (981 triệu USD): Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Cơ hội của ASEAN

Nguồn cung từ ASEAN chiếm khoảng 17% thị phần nông sản  nhập khẩu vào Trung Quốc, tương đương 18 tỷ USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, các nước xuất khẩu nông sản nhiều nhất sang Trung Quốc là: Thái Lan (6,2 tỷ USD), Indonesia (4,1 tỷ USD), Việt Nam (3 tỷ USD), Malaysia (2,6 tỷ USD), Philippines (618 triệu USD), Singapore (419 triệu USD).

Các nước có mặt hàng nông sản xuất khẩu đa dạng nhất là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhờ có chiến lược tập trung vào năng suất và đa dạng hóa sản phẩm.

Các nhóm hàng mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ khu vực ASEAN là:

- Dầu cọ (7 tỷ USD): Indonesia, Malaysia.

- Trái cây và các loại hạt (5,9 tỷ USD): Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Xuất khẩu của Thái Lan thống trị về sầu riêng và nhãn. Xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là thanh long và nhãn. Philippines cung cấp chuối và trái thơm. Chile, Mỹ, New Zealand và Úc cũng là những nhà cung cấp các sản phẩm trái cây ôn đới chính.

- Cao su tự nhiên (3,4 tỷ USD): Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Lào.

- Sắn chiên (1,8 tỷ USD): Thái Lan, Canada và Việt Nam.

- Gạo (1,6 tỷ USD): Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Campuchia.

- Bột sắn (892 triệu USD): Thái Lan và Việt Nam.

- Cacao (685 triệu USD): Malaysia, Indonesia, Singapore.

- Cà phê (494 triệu USD): Việt Nam, Malaysia.

Nhật Duy

Nguồn Inquirer


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới