Hủy

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngồi ghế nóng?

Hoàng Hạnh Thứ Hai | 30/07/2018 08:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không nhắc tới khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 9.000 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Con đường đúng đắn nhất là trả lại nền kinh tế cho thị trường, Nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể hoặc không được làm.

Định nghĩa lại về doanh nghiệp nhà nước

Phát triển startup: Cần sự "mạo hiểm" của Nhà nước


Gánh nợ nặng và hy vọng mới

Điểm sáng le lói ở 2 trong số 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương không làm bức tranh bớt nhiều màu ảm đạm. Dù dự án mỏ sắt Quý Xa và dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng đã giảm được lỗ lũy kế và có lãi, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng nợ phải trả của 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương tính tới cuối năm 2017 lên tới 58.504,20 tỉ đồng (tăng 3.440,82 tỉ đồng).

Tổng số lỗ lũy kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18.678,71 tỉ đồng, tăng 2.552,69 tỉ đồng so với năm 2016. Sẽ phải chấp nhận nợ nần, thua lỗ ở các đại dự án này như “sự đã rồi” và người dân chia đều gánh nợ công tương đương hơn 30 triệu đồng/người.

Đáng buồn hơn, đối diện với khối nợ lên tới 1,6 triệu tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011-2016, dư luận đã không còn bất ngờ với phát biểu thẳng thắn của một vị chuyên gia kinh tế rằng: “Doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia - cục máu đông cản trở phát triển kinh tế...”. Thậm chí, nỗi lo tìm đâu nguồn trả nợ khi tỉ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ trong giai đoạn này không giảm, trong khi tỉ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gấp 3-10 lần.

Cách tiếp cận khả thi và cởi mở hơn đang được bàn tính. Theo đó, thay vì tiếc nuối về khối tài sản đã bị thua lỗ, thất thoát, hãy giám sát và sử dụng tốt hơn số công sản hiện tại.

Rõ ràng, không thể tiếp tục cách thức giám sát bằng giấy tờ như từ trước tới nay. Đơn giản bởi lẽ, chỉ cần thêm bớt vài con số, như cách Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không nhắc tới khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá hơn 9.000 tỉ đồng trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa rồi, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước có thể được khoác chiếc áo mới tinh tươm đến tận khi sự thật được phơi bày.

Đương nhiên, lỗ hổng nằm ở sự thiếu tinh tường của các vị công bộc trong các cơ quan chủ quản nhưng trong suốt 20 năm được học về giám sát và quản lý vốn nhà nước, họ không thể tự chứng tỏ năng lực của những người học giỏi. Thực tế này khó có thể thay đổi một sớm một chiều.

Hy vọng mới có thể đến khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban) chính thức đi vào hoạt động. Dự kiến được giao quyền giám sát và quản lý vốn nhà nước tại 20 doanh nghiệp, với số tài sản lên tới hơn 2 triệu tỉ đồng, Ủy ban sẽ có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đồng thời trực tiếp thực hiện các quyền và trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nếu theo đúng tinh thần dự thảo đang được xây dựng để trình Chính phủ, có thể hiểu, đây là một siêu chủ đầu tư, siêu hội đồng quản trị, chịu  trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Người ta tin rằng, đây sẽ là cây đũa thần chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành thua lỗ, thẳng tay loại bỏ các đại dự án không hiệu quả ngốn ngân sách và bịt lỗ hổng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa.

Đặt dưới con mắt giám sát trực tiếp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, có cơ sở để tin rằng, Ủy ban sẽ không có động lực cũng như cơ hội tham nhũng khi nắm quyền kiểm soát tới xấp xỉ 50% tổng tài sản nhà nước nói trên.
 

Uy ban Quan ly von Nha nuoc ngoi ghe nong?
 

Nhiều nỗi băn khoăn

Dù rất lạc quan và kỳ vọng, vẫn rất cần lật đi lật lại, lần tìm những nút rối trong viễn cảnh tươi sáng nói trên. Quả thật, chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm ám ảnh về bài ca “đúng quy trình”, đã nếm trải những thất bại cay đắng của các kiểu doanh nghiệp Vina... 

Thứ nhất là về cơ cấu nhân sự. Nỗi băn khoăn của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM, khi trao đổi với NCĐT hoàn toàn có lý, bởi lẽ không thể đòi hỏi những khối óc không giỏi về quản trị quản lý và sử dụng hiệu quả vốn nhà nước. Lựa chọn chủ nhân cho những chiếc ghế nóng, Ủy ban phải thể hiện được quan điểm đột phá, trọng người tài.

Tiếc là cách tiếp cận này sẽ vấp phải hòn đá tảng tư duy. Rõ ràng, chúng ta chưa thể cởi mở giao quyền quản lý khối tài sản rất lớn của Nhà nước cho những gương mặt tư nhân, thạo về tài chính và thị trường. Rắc rối nằm ở chỗ tìm kiếm nhân sự có năng lực tương đương trong các bộ ngành không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nếu chỉ đơn thuần điều chuyển nhân sự từ các cơ quan nhà nước sang Ủy ban, sẽ lặp lại câu chuyện “bình mới rượu cũ”.

Giải pháp dung hòa có thể đặt ra là những vị trí quan trọng thuộc về nhân sự chủ chốt các bộ, ngành. Bộ máy giúp việc sẽ gồm nhiều chuyên gia đầu ngành, các trí thức, doanh nhân tài năng trong và ngoài nước... Tuy nhiên, trong trường hợp có bất đồng, ý kiến của nhóm nào sẽ được lắng nghe? Nếu quyền lực cao hơn vẫn thuộc về người nhà nước thì khả năng có sự thay đổi tốt hơn so với trước sẽ khó như trúng số độc đắc.

Kể cả trong trường hợp các lãnh đạo cao hơn rất cầu thị, họ sẽ lắng nghe ai? Nếu vẫn chỉ dựa theo đa số, không thể mơ tới hiệu quả tối đa.

Thứ hai, dù khẳng định sẽ không có sự chồng chéo giữa vai trò quản lý vốn của Ủy ban và vai trò quản lý chuyên môn của bộ ngành, thực tế có diễn ra như dự định? Cần nhớ rằng, quản lý tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước luôn đi đôi với quyền lợi, điều mà không ai dễ dàng từ bỏ. Chế tài nào sẽ áp dụng khi ngành ngang này không đồng lòng ngành ngang khác?

Thứ ba, khó xuất hiện khả năng Ủy ban và tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước tranh luận và phản biện lẫn nhau để diệt trừ những sai trái, khuất tất tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất, điều buộc phải xảy ra trong các cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp đang thua lỗ ở các nước phát triển. Kịch bản dễ xảy ra hơn là sự “dĩ hòa vi quý”.

Như vậy, con đường đúng đắn nhất là trả lại nền kinh tế cho thị trường, Nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể hoặc không được làm. Khi đó, các tổ chức như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ nên đóng vai trò dẫn dắt, định hướng... để việc cổ phần hóa tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhanh gọn, trơn tru và quan trọng nhất là không thất thoát tài sản của Nhà nước. Rõ ràng, quan điểm này cũng rất cần được cân nhắc.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới