Visa vẽ lộ trình “non - cash” cho Việt Nam
Bà Ellen Richey, Phó Chủ tịch và Giám đốc Quản lý rủi ro Visa.
Theo khảo sát của Visa trong năm 2017, xét về doanh số sử dụng thẻ tín dụng, thị trường châu Á - Thái Bình Dương có giá trị tương đương 11.000 tỉ USD. Hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc vẫn còn 6.100 tỉ USD có tiềm năng chuyển đổi thành giao dịch điện tử. Con số 6.100 tỉ USD tiền mặt đang lưu thông này sẽ dần được chuyển hóa thành ví điện tử, các loại thẻ ảo, các tài khoản ngân hàng trên ứng dụng di động hay thiết bị đeo thông minh, mà không còn là một chiếc thẻ nhựa đang trở nên ngày càng bất tiện. Rõ ràng đây là cơ hội của thương mại điện tử, ngân hàng và Fintech.
Theo Forrester Research, thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỉ USD vào năm 2019. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển loại hình giao dịch này với mật độ dân số thuộc top 3 Đông Nam Á, tỉ lệ sở hữu điện thoại di động lên đến 72% và hơn 150 triệu thẻ được phát hành. Những con số này giúp Việt Nam lạc quan đặt mục tiêu giảm tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt xuống dưới 10% vào năm 2020. Tuy nhiên, lộ trình hướng tới nền kinh tế không sử dụng tiền mặt (cashless/non-cash) của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt liên quan tới bảo mật và an toàn trong thanh toán.
Rào cản từ gian lận thương mại
Bà Ellen Richey, Phó Chủ tịch và Giám đốc Quản lý rủi ro Visa, cho biết: “Nhiệm vụ của Visa là kết nối các thanh toán điện tử theo phương thức hiện đại, đáng tin và an toàn nhất”. Visa đã thiết lập 4 nguyên tắc trong bảo mật thông qua nhiều công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, 3DS và chip EMV.
Việt Nam là thị trường tăng trưởng tốt nhất của Visa với tỉ lệ gian lận thanh toán thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ 3 cent liên quan đến thanh toán gian lận trên mỗi 100USD. Gian lận thanh toán của Việt Nam chủ yếu xuất hiện qua các giao dịch thương mại điện tử.
Ông Rahim Abdul, Giám Đốc bảo mật của Visa, cho biết, gian lận thanh toán tại Việt Nam có xu hướng dịch chuyển sang kênh phi vật lý, là các giao dịch qua internet thay vì các giao dịch trực tiếp sử dụng thẻ như thanh toán tại máy POS. Các sự cố gian lận qua kênh phi vật lý chiếm đến 83% trong tổng số và tăng 8% trong 3 năm gần nhất.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng trên 25% trong năm 2017 và sẽ đạt đến 10 tỉ USD doanh thu vào năm 2020. Mức tăng trưởng gần như nhanh nhất thế giới này tạo điều kiện cho thanh toán qua kênh thương mại điện tử phát triển, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng các thanh toán gian lận trên kênh này.
Để đối phó với gian lận từ thương mại điện tử, Visa phát triển hệ thống bảo mật 3DS cho các thanh toán trực tuyến. Với ứng dụng mới nhất có thể gửi lượng thông tin gấp 10 lần từ điểm chấp nhận thanh toán đến ngân hàng, từ đó tiến hành phân tích mức độ rủi ro và gửi cảnh báo.
Trí tuệ nhân tạo cũng hỗ trợ đắc lực cho việc thu thập và phân tích thông tin người dùng, thông qua hệ thống Visa Advanced Authorization, ngân hàng có thể kiểm soát các hoạt động thanh toán thông qua 500 điểm thông tin. Bà Ellen cho biết áp dụng trí tuệ nhân tạo đã có những kết quả khá bất ngờ, khi tỉ lệ gian lận đã giảm xuống 70% tại một số ngân hàng.
Trận chiến loại bỏ tiền mặt
Sự phát triển nhanh chóng của internet, tốc độ truyền dữ liệu, smartphone... đang thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế không dùng tiền mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Trong số các nước tiến nhanh trong việc chuyển sang nền kinh tế không dùng tiền mặt, có thể kể đến Canada, Thụy Điển, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
Có rất nhiều lợi ích mà nền kinh tế không tiền mặt sẽ mang lại cho Việt Nam. Chẳng hạn, chính phủ sẽ kiểm soát tốt hơn việc trốn thuế cũng như các dòng tiền bất hợp pháp. Ngân hàng trung ương kiểm soát tốt hơn lượng cung tiền, từ đó có chính sách tiền tệ phù hợp hơn. Doanh nghiệp thì giảm chi phí cũng như rủi ro giữ tiền mặt, hay những nút nghẽn thanh toán trong chuỗi cung ứng sẽ được giải quyết.
“Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng tôi không phải Bigtech hay Fintech mà chính là tiền mặt. Chúng tôi vốn dĩ cũng là một công ty công nghệ”, ông Chris Clark, Chủ tịch Visa châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đang chiếm 23% tổng số lượng thanh toán toàn cầu của Visa. Con số này còn khá ít so với dân số của khu vực, vốn có số dân đông nhất thế giới. Tiềm năng nằm ở chỗ còn 55% giao dịch tại đây vẫn đang sử dụng tiền mặt trong tổng doanh số sử dụng của toàn thị trường là 11.000 tỉ USD. Điều này tương đương với dư địa phát triển của nền kinh tế phi tiền mặt là 6.100 tỉ USD tính đến hiện tại.
Dù còn nhiều cản trở nhưng các yếu tố cần và đủ cho kinh tế không tiền mặt đang hậu thuẫn cho Việt Nam. Đầu tiên là thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh chóng tại khu vực của các nền kinh tế mới nổi này thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang tăng trưởng tốt hơn các nước lân cận với mức 6,2% mỗi năm (2016-2010) với hơn phân nửa dân số sẽ trở thành giai cấp trung lưu trong 17 năm tới (theo World Bank).
Thị trường thanh toán còn sơ khai là yếu tố tiếp theo. Đơn cử là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Visa, chỉ có 2% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng và chỉ có 10% các giao dịch hằng ngày là phi tiền mặt (theo PwC).
Cuối cùng là sự bùng nổ của smartphone làm thay đổi hành vi tiêu dùng: có 7/10 người đã mua hàng thông qua các smartphone trên toàn thế giới. Tỉ lệ sở hữu smartphone của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức 58,5% vào năm 2021 (PwC).
Báo cáo của Visa mới đây cho thấy, có 9/10 người tiêu dùng sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới, với 88% nói rằng họ rất có thể sẽ sử dụng smartphone để thanh toán, 83% người tiêu dùng Việt cho biết họ sẽ chọn thanh toán không tiếp xúc (nếu có) thay cho tiền mặt. Các yếu tố cộng hưởng này tạo một cơ hội lớn cho nền kinh tế không sử dụng tiền mặt, cũng như các ngân hàng bán lẻ (Việt Nam CAGR là 25%, theo Asian Banker).
Tuy nhiên, theo ông Clark thì bản chất của ngành dịch vụ tài chính đã thay đổi. “Những gì đang diễn ra là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang là mấu chốt quyết định trong cạnh tranh của các định chế tài chính”, ông Chris Clark cho biết.
Cả 3 công nghệ này đều là thế mạnh của các công ty công nghệ lớn (Bigtech) chứ không phải ngân hàng. Chứng minh là ứng dụng của 2 Bigtech là Alipay và WeChat có số lượng sử dụng trung bình cao gấp 7 lần ứng dụng của cả 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cộng lại. Nhiều ngân hàng đang tìm đến Bigtech để phát triển các mảng công nghệ nói trên. Sự cộng tác này là con dao 2 lưỡi, tuy có thể mang đến cho các ngân hàng các tiến bộ kỹ thuật nhưng cũng tạo ra các rủi ro cạnh tranh trực tiếp khi các Bigtech tham gia trực tiếp vào thị trường ngân hàng.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư