Ý sẽ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam
B2B tại TP.HCM
"Tôi đã đi Ý nhiều lần, trải qua trên dưới 20 lần chào hàng thất bại và nhiều lần bị trả hàng về do mẫu mã chưa đáp ứng được nhu cầu của người Ý. Người Ý khó tính, sang trọng, tinh tế và đẳng cấp. Để họ chấp nhận sản phẩm của mình cần phải uy tín, sáng tạo và chất lượng trong từng sản phẩm. Hiện công ty tôi là đối tác của Breton, Ý, chuyên cung cấp sản phẩm gốm sứ cho họ đã được 2 năm, 5% tổng sản phẩm của doanh nghiệp tôi cung cấp cho Breton. Hôm nay tôi đến tham gia cuộc B2B của Diễn đàn Việt- Ý mong muốn tìm thêm đối tác, vì thật sự làm việc với người Ý rất thích. Mặc dù khó tính nhưng khi đã tuân thủ nguyên tắc họ rất tuyệt vời".
Đó là chia sẻ của anh Lê Ngọc Phát, Giám đốc Công ty Gốm sứ Vạn Phát, Bình Dương, một doanh nghiệp đang là đối tác của công ty Breton, kinh doanh sản phẩm gốm sứ tại Ý. Anh Phát là một trong những doanh nghiệp đã tham dự buổi B2B nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Ý vừa diễn ra tại TP.HCM. Hoạt động xúc tiến thương mại này được tổ chức bởi Thương vụ Ý tại Việt Nam, Hiệp hội ngân hàng Ý và Liên đoàn Công nghiệp Ý cùng sự hỗ trợ từ Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Tham dự buổi B2B tại TP.HCM có hơn 30 doanh nghiệp Ý và khoảng 40 doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp ngành: công nghệ, xây dựng, cơ khí máy móc...
Ông Alex, Giám đốc Marketing Công ty Nidec Asi, chuyên sản xuất những sản phẩm về năng lượng mặt trời tại Ý, cho biết, hiện nay, Nidec Asi chưa có đối tác nào là Việt Nam. Tham gia B2B lần này, tôi đã trao đổi với 3 đối tác tại Việt Nam và rất hài lòng về sự nhiệt tình của họ. Sau khi về bàn bạc chúng tôi sẽ tiến hành hợp tác, đầu tư thêm cho các doanh nghiệp này. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế rất mạnh, tôi nghĩ phát triển những sản phẩm về năng lượng mặt trời sẽ rất tốt, tôi đang tìm kiếm thêm nhiều đối tác nữa.
Buổi B2B tại Tp HCM với sự tham gia của hơn 30 đại diện doanh nghiệp đến từ Ý và gần 40 doanh nghiệp Việt Nam |
Tiềm năng thương mại Việt-Ý
Ngày 29.11, một trung tâm công nghệ về dệt may với sự hỗ trợ của Ý vừa khánh thành tại Đại học Công nghệ TP HCM.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Ý 2017 cũng chứng kiến hai bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, một là giữa Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và Hiệp hội Đá hoa cương trắng Lục Yên, hai là Biên bản ghi nhớ giữa phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) và Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Ý hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 18 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ý đạt trên 2,88 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ý cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch thương mại hai chiều vào khoảng 4,6 tỉ USD trong năm 2016.
Ý là đối tác tiềm năng của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu sang nước này ngày càng tăng. Nguồn: Tổng cục Hải Quan |
Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là thị trường tiềm năng, có lượng người tiêu dùng lớn, nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao, sẽ là cơ hội cho các các nhà đầu tư Ý đưa công nghệ của Ý cùng các loại hàng hóa chất lượng vào để cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Ý sẽ tăng cường truyền đạt những kinh nghiệm của Ý cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ cả hai bên cùng có lợi, mang lại nhiều hơn những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp hai bên.
Ông Paolo Lemma cho biết thêm: “Việt Nam luôn là địa điểm lý tưởng để phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực tự động hóa, da giày, dệt may, dịch vụ, và thời trang với Ý. Các doanh nghiệp Ý coi Việt Nam là cửa ngõ hoàn hảo để tiếp cận thị trường ASEAN. Thêm vào đó, các công ty Ý cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam và xem nơi đây như một thị trường mới nổi trong khu vực, với nhiều tiềm năng đầy hứa hẹn cho đầu tư và phát triển kinh doanh”.
Việt Nam và Ý thời gian qua đã tích cực triển khai hợp tác ở một số lĩnh vực như da giày, dệt may, thời trang, trong đó đã thành lập Trung tâm dịch vụ, đào tạo công nghệ trong lĩnh vực da giày, do Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất máy móc da giày Ý (ASSOMAC) và Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) hợp tác mang tên Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý. Trung tâm này đã khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 12.7.2017 tại Bình Dương.
Với những nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như hợp tác giữa Việt Nam và Ý trong thời gian qua, có thể tin tưởng rằng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước sẽ đạt kết quả khả quan trong thời gian tới.
Những ngành được nhà đầu tư Ý quan tâm
Những ngành điện và năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh, giao thông vận tải, thiết bị máy móc và công nghệ, gốm sứ... đang được các nhà đầu tư Ý quan tâm.
Ông Ivan Scalfarotto, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý, chia sẻ: "Từ trước đến nay, Ý được biết đến chủ yếu về dệt may, da giày, thực phẩm chế biến và bao bì, nhựa hoặc vật liệu xây dựng thông qua cung cấp thiết bị và công nghệ cho ngành công nghiệp Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam vẫn ít biết về các công ty của Ý có khả năng xây dựng các dự án lớn, và chúng tôi muốn thay đổi nhận thức này".
Có nhiều thương hiệu Ý ở các lĩnh vực mới tham gia diễn đàn năm nay, không chỉ là thiết kế thời trang, mỹ phẩm, da giầy và rượu vang như trước đây. Các doanh nghiệp Ý chào đón các công ty Việt Nam đến và khám phá các sản phẩm được làm từ Ý và gặp trực tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Ý trong các lĩnh vực d9iện và năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ xanh, giao thông vận tải, thiết bị máy móc và công nghệ.
Rất nhiều doanh nhân Ý quan tâm đến việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới thị trường Việt Nam, trong khi một số khác đang tìm kiếm các nhà cung cấp và cơ hội hợp tác đầu tư ở Việt Nam.
Hiện nay, Ý là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Liên minh Châu Âu với giao dịch thương mại hai bên đạt 4,6 tỷ vào năm 2016 và 2,88 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư