Hủy
Công Nghệ

80% người Trung Quốc tin rằng họ sẽ bị thay thế bởi robot

Thứ Ba | 22/03/2016 00:45

Ngay cả những công việc đòi hỏi nhiều trí tuệ như bác sĩ hay luật sư cũng có thể sẽ không thoát khỏi sự “tấn công” của robot.
 

Gần đây, viện nghiên cứu ADP, trực thuộc công ty chuyên phát triển hệ thống quản lý nhân sự ADP, đã tổ chức một cuộc khảo sát hơn 2.400 người lao động tại 13 quốc gia. Kết quả của khảo sát cho thấy có đến 80% người Trung Quốc tin rằng robot và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế con người trong các công việc có tính chất lặp đi lặp lại, đạt tỷ lệ cao nhất thế giới.

Tại Mỹ và Ấn Độ thì tỷ lệ này là 61%, Mexico là 51%, Singapore là 48% và Đức là 39%. Ở Canada, nơi tỷ lệ này là 48%, có tới 33% người lao động cho biết tự động hóa làm họ e sợ về khả năng giữ được việc làm trong dài hạn, cũng như làm cho họ cảm thấy stress hơn trong cả cuộc sống lẫn công việc.

Tuy nhiên, có tới 55% trong tổng số những người được khảo sát cho biết họ hài lòng với xu thế tự động hóa. Theo bà Annabel Jones, giám đốc nhân sự của ADP Anh Quốc, thì việc triển khai công nghệ robot rộng rãi hơn có thể là một điều tích cực: “Trong môi trường làm việc mới của tương lai, con người sẽ có thể tự do hơn để tập trung vào công việc, thay vì lo nghĩ về chuyện quản lý người khác hoặc đối phó với cấp trên”.

Cũng theo khảo sát, có tới 43% người lao động tin rằng quá trình tự động hóa môi trường làm việc đang diễn ra mạnh mẽ ngay vào lúc này, và 53% cho rằng việc thay đổi các vai trò đang buộc họ phải liên tục trau dồi kỹ năng mới. Báo cáo của ADP cho thấy những người lo ngại nhất về xu thế tự động hóa là những người trẻ tuổi hoặc chưa đạt tới cấp bậc quản lý. Ngược lại, những người lớn tuổi hoặc đang ở cương vị quản lý lại không mấy lo lắng về điều này, có thể vì họ đã gần đến tuổi hưu hay đang ở vị thế an toàn hơn.

Hồi năm ngoái, hai cha con khoa học gia là Richard Susskind (cố vấn cho chính phủ Anh) và Daniel Susskind (giảng viên đại học Oxford) đã cho xuất bản một cuốn sách gây nhiều tranh luận mang tên “Tương lai của các nghề nghiệp” (Future of the Professions). Dựa trên kết quả của khoảng 100 cuộc phỏng vấn, nhà Susskind cho rằng ngay cả những công việc đòi hỏi nhiều trí tuệ như bác sĩ hay luật sư cũng sẽ không thoát khỏi sự “tấn công” của robot. Những công việc này tuy phức tạp về mặt tổng thể, nhưng khi được chia thành các công đoạn cụ thể như tìm kiếm văn bản luật hay đánh giá mẫu xét nghiệm thì có khá nhiều phần có thể dễ dàng được tự động hóa.

Hai cha con Susskind cảnh báo: “Những người nào làm các công việc mà không thể hay không nên bị thay thế bởi robot sẽ trụ lại được lâu nhất. Vấn đề là sẽ không có đủ số việc làm như vậy để duy trì một đội ngũ nhân sự đông đảo”. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tích cực: một khi những dịch vụ thiết yếu nhưng đắt tiền như giáo dục đại học, y tế, thiết kế kiến trúc hay tư vấn luật có thể được tự động hóa một phần, thì chi phí của các dịch vụ đó cũng sẽ giảm xuống và cho phép nhiều người tiếp cận hơn. Tại Mỹ, số người đăng ký các khóa học trực tuyến của đại học Harvard trong một năm đã vượt qua tổng số sinh viên của trường này trong suốt từ năm 1636 tới năm 2013.

Tuấn Minh

Nguồn Quartz


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới