Hủy
Công Nghệ

Thời đại kỳ lân đã qua

Bảo Hân Thứ Ba | 27/02/2024 11:34

Các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) chỉ rót 170 tỉ USD vào Mỹ trong năm ngoái, giảm một nửa so với năm 2021. Ảnh: Eyevine.

Và cơn sốt A.I sẽ không mang nó quay trở lại.
 

Công việc kinh doanh chưa bao giờ khá khẩm hơn đối với những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Sau khi chật vật vào năm 2022, tổng vốn hóa thị trường của Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đã tăng 70%, lên hơn 10.000 tỉ USD kể từ đầu năm 2023, trong bối cảnh A.I được chào đón rộng rãi. Chính công nghệ này cũng đã nâng vị thế của nhiều công ty khác trong ngành. Ngày 21/2 vừa qua, Nvidia đã báo cáo doanh số bán hàng trong quý, tính đến tháng 1, tăng vọt 265% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn hóa thị trường của Công ty cũng tăng từ khỏang 500 tỉ USD một năm trước lên 1.700 tỉ USD. Ngoài ra, Open AI, nhà sản xuất ChatGPT và các công ty phát triển A.I khác như Anthropic cũng hoạt động không kém cạnh, thu về hàng tỉ USD vốn tài trợ.

Trong bối cảnh đó, hàng ngàn công ty A.I quy mô nhỏ cũng đã xuất hiện. Theo Rest of World, ấn phẩm trực tuyến, tại hòn đảo nhỏ ở Caribe tên là Anguilla, có đuôi miền internet là “.ai”, hiện tạo ra khoảng 1/3 ngân sách của chính phủ từ việc cấp phép đuôi miền này. 

Cơn sốt hiện tại không chỉ thu hút người mới mà còn khiến những gương mặt cũ, có thể kể đến như nhà sáng lập WeWork Adam Neumann. Tuy vừa tuyên bố phá sản cách đây không lâu, ông đang cố gắng giành lại quyền điều hành Công ty.

 

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng bối cảnh khởi nghiệp của Mỹ đang trở lại thời kỳ hưng thịnh trước đây. Theo công ty nghiên cứu PitchBook, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) chỉ rót 170 tỉ USD vào Mỹ trong năm ngoái, giảm một nửa so với năm 2021. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ nổi bật, chẳng hạn như Open AI, các nhà đầu tư đặc biệt thận trọng. Trong suốt những năm 2010, số lượng kỳ lân, các công ty tư nhân có giá trị trên 1 tỉ USD, đã tăng vọt ở Mỹ. Toàn bộ 344 công ty trong số đó đã tạo ra mức lợi nhuận khủng vào năm 2021, nhưng đến năm ngoái thì chỉ còn 45 công ty.

Sự kết thúc của kỷ nguyên tiền rẻ phần lớn là nguyên nhân. Trong những năm đầu phát triển, khi các nhà đầu tư chạy đua để giành được một phần cổ phần của những công ty khởi nghiệp thành công nhất, các công ty công nghệ hầu như không có nhu cầu khai thác thị trường đại chúng để lấy vốn. Các nhà đầu tư chéo (Crossover Investor) như Tiger Global và Coatue, hoạt động ở cả thị trường công và tư nhân, đã tràn vào Thung lũng Silicon. Ông Dharmesh Thakker, của VC Battery Ventures, nhớ lại rằng những người sáng lập có thể “gây quỹ bằng cuộc gọi Zoom”. Vào năm 2021, các nhà đầu tư chéo chiếm hơn một nửa số vốn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp. Kể từ đó họ đã rút lui, năm ngoái đóng góp chưa đến 1/3 số vốn tài trợ.

Hiện các nhà đầu tư đang cân nhắc cách bán cổ phần của mình trong các Kỳ lân của năm qua. Hầu hết các quỹ VC hoạt động theo chu kỳ 10 năm, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong 5 năm đầu tiên và tháo vốn trong năm thứ 2. Với hơn 700 kỳ lân với mức định giá 2.400 tỉ USD, số tiền sắp tuột khỏi tầm tay họ là không hề nhỏ.

 

Cách thoái vốn đầu tiên là thông qua các đợt IPO. Tuy nhiên, thị trường IPO vẫn đứng yên, với 83 công ty được VC hỗ trợ đã niêm yết vào năm 2023, giảm so với mức 309 vào năm 2021. Nhiều công ty niêm yết vào năm ngoái, bao gồm Instacart, một doanh nghiệp giao hàng tạp hóa và Klaviyo, một công ty phần mềm, đang giao dịch thấp hơn giá ban đầu của họ. Arm, một nhà thiết kế chip có giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi niêm yết vào tháng 9, là một ngoại lệ hiếm hoi.

Con đường thoái vốn thứ 2, bán lại cho các tập đoàn lớn, cũng đang không hanh thông. Theo PitchBook, chỉ có 698 công ty do VC hậu thuẫn được mua lại vào năm ngoái, giảm so với 1.311 vào năm 2021. 

Bán cho một nhà đầu tư tư nhân khác - lựa chọn thứ 3, cũng không quá hấp dẫn. Theo Caplight, một nhà cung cấp dữ liệu, cứ 4 trong số 5 kỳ lân sẽ được định giá thấp hơn trên thị trường thứ cấp so với vòng gây quỹ. Discord, một nền tảng trò chuyện phổ biến dành cho các game thủ, gần đây nhất được định giá 6 tỉ USD trên thị trường thứ cấp, giảm so với mức định giá gần 15 tỉ USD khi huy động vốn lần cuối vào năm 2021.

Giữa "đợt hạn hán" vốn, một số kỳ lân đã sụp đổ. Convoy, một công ty khởi nghiệp về logistics huy động vốn lần cuối vào năm 2022 với mức định giá gần 4 tỉ USD, đã đóng cửa vào tháng 10. Veev, một kỳ lân khác trong lĩnh vực xây dựng, đã đóng cửa vào tháng 11 và đang thanh lý tài sản của mình.

Có thể bạn quan tâm: 

Mỹ lo ngại hàng hoá giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới