Hủy

PVD ngóng giá dầu phục hồi

Thanh Tùng Thứ Năm | 17/05/2018 07:30

 
 
Trong bối cảnh giá dầu liên tục tăng nhưng Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) chỉ đặt mục tiêu hòa vốn 2 năm liên tiếp.

Trong quý I vừa qua, PVD lỗ 253 tỉ đồng (khoản lỗ của công ty mẹ là 239 tỉ đồng). Cùng kỳ năm ngoái, Công ty cũng lỗ 201 tỉ đồng.

PVD ngong gia dau phuc hoi
 

Là doanh nghiệp đứng đầu thị trường khai thác dầu khí Việt Nam, đỉnh cao của PVD là vào năm 2014, khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt gần 20.900 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.539 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng trong năm 2014, sự bùng nổ của dầu đá phiến đã khiến thị trường thế giới rơi vào tình trạng thừa cung, khiến giá dầu lao dốc không phanh, từ mức trung bình 100 USD/thùng vào cuối năm 2014, giảm xuống dưới 30 USD/thùng trong quý I/2016. Giá dầu giảm, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của mọi công ty trong ngành dầu khí và PVD cũng không ngoại lệ.

Doanh thu của PVD được tính theo số ngày hoạt động, số lượng giàn khoan hoạt động và giá thuê. Do dịch vụ khoan là nền tảng kinh doanh cốt lõi của PVD nên chỉ cần các yếu tố trên suy giảm là tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận. Các giàn khoan của Công ty có rất ít việc trong giai đoạn 2015-2016. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối khi số lượng giàn khoan cung cấp vẫn vượt nhu cầu sử dụng, theo đó giá thuê dịch vụ sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Hiện tại, giá thuê trung bình từ 55.000-60.000 USD/ngày. Trong khi mức giá hòa vốn của các giàn tự nâng (jackup) là khoảng 70.000 USD/ngày. Thời gian làm việc của giàn khoan rất ngắn từ 3-4 tháng và sau đó phải chờ việc. Hiện có 6 giàn khoan trong đó có một giàn khoan nước sâu là PVD V. 

Khó khăn của PVD cũng là khó khăn chung của ngành khi thực tế hơn 90% nhà thầu khoan trên thế giới không có lãi, 10% công ty đã phá sản hoặc bị mua lại. Công ty có ngành nghề kinh doanh gần với lĩnh vực PVD là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt đỉnh vào năm 2014, sau đó giảm dần. Trên thị trường Đông Nam Á, giá thuê hiệu suất sử dụng giàn khoan của các công ty trong ngành cũng suy giảm kể từ cuối năm 2014, chạm đáy vào tháng 12.2016 và phần nào phục hồi trong năm 2017, theo dữ liệu của IHS Markit.

Ngoài ra, giàn khoan nước sâu PVD V, từng đóng góp nhiều lợi nhuận nhất cho PVD do giá thuê gấp 3-4 lần các giàn khoan khác (khoảng 250 tỉ đồng trong năm 2016), lại hiện không có việc. Giàn khoan này từng dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ cho dự án Cá Rồng Đỏ, nhưng cho tới nay dự án này đã bị đình chỉ. Trả lời chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông năm 2018, ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVD, cho biết: “Dự kiến trong năm 2018 và một vài năm tới sẽ tiếp tục không có việc”.

Không có việc làm, gánh nặng của PVD còn là những khoản vay nợ liên quan đến việc xây dựng giàn khoan nước sâu PVD V. Dư nợ hiện tại của PVD vẫn ở mức rất cao, lên tới 4.281 tỉ đồng (giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ), chủ yếu do Công ty vay vốn tài trợ cho chi phí xây dựng giàn khoan PVD V và PVD VI. Trong năm 2018, khoảng 1.300 tỉ đồng nợ dài hạn của Công ty sẽ đáo hạn.

Thế nhưng, con đường phía trước của PVD cũng chưa hẳn là tiêu cực. Vấn đề của PVD là thị trường dầu tăng trở lại và việc Công ty có chấp nhận hạ phí khai thác hay không (cùng với việc tiết giảm chi phí hoạt động).

PVD ngong gia dau phuc hoi
 

Giá dầu thô xuất bán bình quân quý I năm nay cao hơn mức dự kiến đã giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, giúp ngành dầu khí bớt khó khăn. Theo Công ty Chứng Khoán KB Securities, việc giá dầu phục hồi ở mốc trên 60 USD/thùng sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động khoan dầu khí từ đó nâng giá thuê giàn khoan tự nâng nhưng tốc độ tăng giá dự kiến sẽ chậm.

KB Securities kỳ vọng giá thuê sẽ ở mức trung bình 55.000-57.000 USD/ngày trong năm 2018 với hiệu suất hoạt động của các giàn khoan ở mức 90%. Và PVD có thể thu hồi được 50% khoản nợ xấu 450 tỉ đồng từ Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), ghi nhận vào thu nhập khác giúp tránh việc ghi nhận lỗ trong năm 2018.

Công ty Chứng khoán HSC tin rằng trong trung đến dài hạn, triển vọng tăng trưởng của PVD là rất khả quan mặc dù sẽ mất 1-2 năm nữa để lợi nhuận phục hồi. Nguyên nhân chính là cần thời gian nhất định để nhu cầu khoan ngoài khơi phục hồi theo giá dầu. Xu hướng này sẽ được đẩy mạnh nhờ giá dầu tăng nhanh, kéo theo sự gia tăng của các hoạt động E&P tại Việt Nam trong năm nay hoặc muộn nhất năm sau.

Theo HSC, mức đầu tư của PVN cho các hoạt động ngoài khơi dự kiến sẽ tăng khoảng 40% hằng năm giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 2012-2017 tốc độ tăng trưởng là âm 16%). Để hoàn thành kế hoạch sản lượng dầu thô năm 2020 là 20 triệu tấn (tăng 39% từ 14,3 triệu tấn trong năm 2017).

Về kế hoạch thâm nhập thị trường dịch vụ khoan ở nước ngoài của Công ty (nhằm tạo thêm việc làm cho các giàn khoan), HSC tin rằng PVD sẽ tiếp nối những thành công trong năm 2017. Hiện tại, chỉ 1 trong số 4 giàn khoan tự nâng của PVD là đang hoạt động tại Việt Nam. Kể từ năm 2017, giàn khoan PVD I đã hoạt động tại Thái Lan và dự kiến hợp đồng khoan kết thúc vào tháng 3 năm nay.

Trong khi đó, giàn khoan PVD III và PVD VI đều đang có hợp đồng tại Malaysia. Ngoài ra, các giàn khoan của PVD có độ tuổi còn trẻ và uy tín về hoạt động an toàn, PVD có thể cạnh tranh với các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoan ngoài khơi trong khu vực và tiếp tục giành thêm các hợp đồng khoan mới nếu Công ty sẵn sàng duy trì hoạt động dưới giá vốn và chờ giá cho thuê giàn khoan trong khu vực vượt mức hòa vốn và/hoặc nhu cầu khoan ngoài khơi phục hồi.

Giới đầu tư cũng kỳ vọng năm 2018 nếu giá dầu trên 70 USD/thùng thì PVD sẽ cho thuê được hết giàn khoan và có việc làm trong cả năm; trong tương lai, khi phí cho thuê giàn khoan tăng giá... lợi nhuận của PVD sẽ bứt phá. Và một vế của kỳ vọng trên đã trở thành hiện thực, khi cả giá dầu Brent (giao dịch bên ngoài nước Mỹ) và dầu WTI (giao dịch tại Mỹ) đều đã vượt mốc 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014. Tuy nhiên, giới đầu tư quốc tế cũng hoài nghi việc giá dầu có thể trụ vững trên mức này. Vì vậy, đối với kế hoạch năm 2018, các doanh nghiệp ngành dầu khí của Việt Nam như PVD vẫn tỏ ra thận trọng, bởi dự phóng giá dầu chưa thể nhanh chóng trở về mốc cũ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới