Hủy
Kinh Doanh

Shoppertainment dẫn dắt sự phát triển của thương mại điện tử?

Ngô Lương Thứ Tư | 06/03/2024 11:25

Nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng trở nên phổ biến khắp châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: TL.

Thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi. Họ sẽ nói không với những lời chào hàng, nhưng họ sẽ nói có với những trải nghiệm giải trí.
 

Thương mại điện tử đã trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất tại Việt Nam trong những năm gần đây. Và sự xuất hiện của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Giải trí dẫn dắt thương mại

Điều này thể hiện rõ trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, khi shoppertainment đã trở thành một sức mạnh không thể phủ nhận trong thị trường tiêu dùng hiện đại. Sự tăng trưởng đáng kể vừa trở thành một nguồn động lực sáng tạo quan trọng với các chủ cửa hàng, đồng thời tạo ra sức ép thay đổi đối với bán lẻ truyền thống. 

Trái ngược với sự ế ẩm và đìu hiu tại các chợ truyền thống là sự sôi động, tấp nập bán buôn khi tiểu thương áp dụng các phương thức bán hàng trực tuyến. 77 phiên bán hàng trực tiếp livestream với sự tham gia của lực lượng người có ảnh hưởng trên mạng vào giữa tháng 12/2023 đã thu hút hơn 18.200 đơn hàng, mang về hơn 4 tỉ đồng cho các tiểu thương. Điều này cho thấy người dùng Việt Nam đang mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội giải trí nhiều hơn trước.

Theo “Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á - Thái Bình Dương” do Accenture thực hiện và TikTok công bố, nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng trở nên phổ biến khắp châu Á - Thái Bình Dương. Điều này có được nhờ ưu thế là điểm đến duy nhất để người dùng có thể cùng lúc khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trên cùng một ứng dụng mà không cần thay đổi giao diện, thiết bị hay nền tảng khác trong suốt quá trình tìm hiểu và mua hàng.

“Đó là mô hình người ta đẩy hiển thị đến một cách chủ động, đến livestream của các bạn có ảnh hưởng. Để cho hoạt động đó hiệu quả thì điều để ra được đơn hàng tốt nhất là giảm giá. Họ tạo ra một chuỗi liên tục giảm giá, liên tục cạnh tranh với nhau”, ông Trần Lâm, Nhà bán hàng kiêm tác giả sách "Cất cánh trên thương mại điện tử", nhận xét.

Theo báo cáo của Tập đoàn tư vấn BCG (Boston Consulting Group) và TikTok, doanh thu shoppertainment ở Việt Nam năm 2022 là 1,8 tỉ USD và có mức tăng trưởng 66%/năm. Và xu hướng shoppertainment ở Việt Nam dự báo sẽ đạt 8,1 tỉ USD vào năm 2025. Những con số cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng và tiềm năng của shoppertainment trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Thay đổi thói quen đến quyết định

“Thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi. Người tiêu dùng sẽ nói không với những lời chào hàng, nhưng họ sẽ nói có với những trải nghiệm giải trí”, ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của TikTok, cho biết.

Quyết định mua sắm của người tiêu dùng không chỉ bị ảnh hưởng bởi âm thanh và hình ảnh trong nội dung shoppertainment, mà còn bởi những yếu tố khác như nhà sáng tạo nội dung và cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Theo một khảo sát do Boston Consulting Group và TikTok thực hiện, có tới 32% người tham gia khảo sát cho biết những yếu tố trên quyết định đến hành vi mua hàng của họ. Các yếu tố khác còn lại quyết định đến hành vi mua hàng của khách hàng là ảnh hưởng bởi các nhà sáng tạo nội dung và cách trưng bày, giới thiệu sản phẩm với tỉ lệ lần lượt là 25% và 21%.

Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng, họ thường mua trực tiếp trên nền tảng họ đang giải trí. Ảnh: TL.
Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng, họ thường mua trực tiếp trên nền tảng họ đang giải trí. Ảnh: TL.

Ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc Kinh doanh của Nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, cho rằng khi người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng, họ thường mua trực tiếp trên nền tảng họ đang giải trí. Tuy nhiên, cũng có những người muốn tìm hiểu sản phẩm, so sánh trên các nền tảng khác nhau. Điều này sẽ kích thích sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Năm 2023, tổng số nhà bán hàng giảm hơn 1% so với năm trước đó, tương ứng 10.000 gian hàng trực tuyến đóng cửa. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lượng sụt giảm chủ yếu là nhà bán nghiệp dư nhỏ lẻ, còn xu hướng các doanh nghiệp lớn, nhà bán chuyên nghiệp dịch chuyển lên đa kênh trực tuyến vẫn không bị đảo ngược.

Giới chuyên gia đánh giá thị trường thương mại điện tử sẽ ngày càng chuyên nghiệp hơn và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản. Do đó, nếu các doanh nghiệp, nhà bán hàng nhỏ lẻ không có sự thay đổi để thích nghi với xu hướng chung, sẽ có nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường.

Có thể bạn quan tâm:

Thiếu hụt niềm tin trong kinh tế Trung Quốc

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới