Hủy
Kinh Doanh

VinaWealth có thể mở thêm quỹ mở đầu tư cổ phiếu trong nửa đầu 2013

Thứ Sáu | 25/01/2013 07:50

VFF là quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam, với danh mục sẽ bao gồm ít nhất 80% trái phiếu, ngoài ra là các cổ phiếu, chứng khoán phái sinh.
 

Ngày 24/1, Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaWealth (VinaWealth), được hậu thuẫn bởi tập đoàn VinaCapital (nắm 49% vốn) tổ chức roadshow giới thiệu Quỹ đầu tư trái phiếu bảo thịnh VinaWealth (VFF) tại Hà Nội, sau khi đã tổ chức tại TPHCM.

VFF là quỹ mở đầu tiên tại Việt Nam chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng (bắt đầu từ 7/1/2013), với mục tiêu đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn lãi suất tham chiếu, là lãi suất huy động bình quân 12 tháng của ngân hàng HSBC. Ngoài các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân thông thường, VFF còn hướng đến người sắp về hưu.

Danh mục đầu tư của quỹ sẽ bao gồm ít nhất 80% trái phiếu, ngoài ra là các cổ phiếu, chứng khoán phái sinh... VFF này đặt mục tiêu phải thu hút tối thiểu 50 tỷ đồng và có ít nhất 100 nhà đầu tư đăng ký mua chứng chỉ quỹ trong khoảng từ 20 đến 90 ngày để có thể chốt quỹ sớm và dùng tiền để đem đầu tư.

Trước một cơ hội đầu tư mới tại thị trường Việt Nam, ông Roy Fong - Giám đốc đầu tư Trái phiếu và ông Đặng Vị Thanh - Giám đốc khối khách hàng cá nhân của VinaWealth đã có một số trao đổi về tình hình hoạt động của VFF và tiềm năng của quỹ mở đầu tư trái phiếu tại Việt Nam.
Ông có thể cho biết mức lợi tức mà nhà đầu tư có thể nhận được khi đầu tư trái phiếu năm 2013?

Ông Roy Fong: Theo tôi, lãi suất trái phiếu trong năm 2013 có thể giảm từ 1-2% bởi tăng trưởng tín dụng vẫn thấp và dự báo lãi suất sẽ giảm 1% trong quý I. Nếu lãi suất trái phiếu giảm từ 1-2% thì tỷ suất sinh lợi của nhà đầu tư sẽ từ 16-18%. Sau khi trừ đi thuế và phí, tỷ suất sinh lợi thuần của nhà đầu tư sẽ khoảng từ 13-15%.

So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay (8%/năm) thì mức sinh lời khi đầu tư vào trái phiếu sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay nếu người có tiền muốn gửi vào ngân hàng thì họ dễ dàng tìm được các phòng giao dịch ở quanh khu mình ở. Song, nếu muốn mua chứng chỉ quỹ VFF, họ sẽ phải tìm đến văn phòng và đại lý của công ty, đồng thời phải tìm hiểu về thị trường trái phiếu, trong khi cá nhân hiểu về công cụ này vẫn còn ít và cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu vẫn còn chưa phát triển bằng thị trường cổ phiếu.Ông đánh giá như thế nào về việc này và VinaWealth có giải pháp gì không để đạt mục tiêu thu hút được 100 nhà đầu tư?
Ông Đặng Vị Thanh: Thị trường trái phiếu Việt Nam đúng là có hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... Tuy nhiên, VinaWealth đi tiên phong trong việc lập quỹ mở trái phiếu thì chúng tôi buộc phải chấp nhận những thách thức này.

Với việc để thu hút 100 nhà đầu tư, tôi nghĩ rằng vai trò của môi giới (nhà phân phối chứng chỉ quỹ VFF là công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) - PV) là rất quan trọng với những nhà đầu tư hiện tại và những nhà đầu tư mới. Ngoài ra, bản thân công ty cũng có một số phương án như huy động nhân viên của VinaWealth, VinaCapital trở thành nhà đầu tư của quỹ.

Với việc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi chọn trái phiếu làm công cụ đầu tư chính, tại sao VinaWealth không lựa chọn lập quỹ mở đầu tư cổ phiếu?
Ông Đặng Vị Thanh: Nếu VinaWealth chọn lập quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu thì sẽ có nhiều chuyện để nói hơn. Tuy nhiên, hiện nay nếu lựa chọn giữa các tài sản đầu tư ở Việt Nam thì rõ ràng cổ phiếu không còn là thích hợp mà lại là trái phiếu. Thực sự, ở thời điểm hiện tại thì đầu tư trái phiếu hơi trễ một chút chứ nếu bắt đầu trong năm 2012 thì hiệu quả đầu tư sẽ là rõ rệt.

Ông có thể cho biết hạn chế của đầu tư trái phiếu so với đầu tư cổ phiếu?

Ông Đặng Vị Thanh: Hạn chế đầu tiên là trái phiếu có mức độ an toàn và ổn định hơn so với cổ phiếu nên khả năng kiếm được lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ cao hơn do rủi ro lớn hơn.

Ngoài ra, khi đầu tư cổ phiếu thì nhà đầu tư có thể trực tiếp quyết định mua hay bán, lựa chọn cơ hội đầu tư, loại cổ phiếu đầu tư. Nhưng khi đầu tư qua quỹ (đầu tư gián tiếp), nhà đầu tư đã đưa tiền cho quỹ rồi thì mức độ can thiệp vào các quyết định đầu tư hầu như không có.

Xin ông cho biết các yếu tố mà nhà điều hành quỹ cân nhắc đến khi chọn mua trái phiếu doanh nghiệp? Trong một số thời điểm, tình hình kinh doanh khó khăn sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị của trái phiếu doanh nghiệp, VinaWealth có chiến lược gì để tối thiểu hóa rủi ro này không?

Ông Đặng Vị Thanh: Hai yếu tố hàng đầu mà người điều hành quỹ phải cân nhắc để xem có phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp không là tính thanh khoản của trái phiếu và uy tín tín dụng của tổ chức phát hành.

Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết bởi trái phiếu doanh nghiệp cho lợi tức cao hơn trái phiếu Chính phủ, nhưng điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải có trái phiếu doanh nghiệp. Việc phân bổ danh mục tài sản đầu tư sẽ rất linh hoạt.

Tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu của quỹ tối đa là 80% nhưng cũng có thời điểm được duy trì ở mức khác, tùy vào điều kiện thị trường. Có thời điểm trong danh mục đầu tư trái phiếu sẽ có 100% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ nhưng một số thời điểm sẽ có thêm trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề phòng rủi ro trái phiếu mất giá, quỹ cũng đầu tư vào các cổ phiếu tốt, nhưng mức đầu tư cổ phiếu chỉ trong khoảng 20% nhằm đảm bảo tính đặc trưng của quỹ.
Trong trường hợp nhà đầu tư muốn bán lại chứng chỉ quỹ (thoái vốn), VinaWealth sẽ thu xếp như thế nào để trả lại tiền cho nhà đầu trong bối cảnh áp lực quá lớn?

Ông Đặng Vị Thanh: Quỹ có thể bán lại trái phiếu để lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư khi mà thanh khoản trên thị trường trái phiếu thứ cấp rất lớn (năm 2012, giá trị giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD, bình quân mỗi phiên đạt gần 850 tỷ đồng - số liệu HNX).

Song, trong trường hợp tổng giá trị các lệnh bán trừ đi tổng giá trị các lệnh mua vượt quá 10% giá trị tài sản ròng của quỹ thì phần bán vượt ra sẽ bị hủy. Quy định này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi trong trường hợp áp lực thoái vốn lớn quá thì quỹ buộc phải bán đi tài sản của mình với mức không mong muốn và ảnh hưởng trực tiếp tới giá chứng chỉ quỹ.

Trong thời gian tới, ngoài sản phẩm quỹ mở đầu tư trái phiếu, VinaWealth có dự định phát triển sản phẩm nào nữa hay không?

Ông Đặng Vị Thanh: Quỹ mở có đặc điểm quan trọng là có thể chuyển đổi qua lại giữa các quỹ mà chúng tôi có. Mục tiêu của VinaWealth là có được dòng sản phẩm quỹ với những mục tiêu khác nhau để đáp ứng những yêu cầu đầu tư khác nhau.

Chúng tôi có kế hoạch trong quý I và quý II năm 2013 có thể cho ra đời quỹ mở đầu tư cổ phiếu, nhưng còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có thể có các sản phẩm như quỹ ETF, quỹ bất động sản...

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới