Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt

Cẩm Tú Thứ Sáu | 31/03/2023 13:55

Hoạt động nuôi tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng. Ảnh: Nông nghiệp hữu cơ

Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đuối sức so với 2 đối thủ là Ấn Độ và Ecuador.
 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường nhập khẩu chính thì xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU giảm mạnh; xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm với tốc độ ít hơn.

 

Từ quý IV/2022 cho đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm trên toàn cầu liên tục giảm sút. Cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Độ lại càng gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến tăng lên 1,5 triệu tấn. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng.

Năm 2023, theo dự báo ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ngay từ đầu năm, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, doanh nghiệp nuôi tôm trong nước đang còn phải đối mặt với bài toán chi phí sản xuất tăng cao. Hiện nay giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá sản phẩm thủy sản kém khả năng cạnh tranh. Giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador.

Đối với thức ăn chăn nuôi thủy sản, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.

Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp nuôi tôm tìm cách chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, nhiều nơi tập trung cải tạo, tu sửa ao hồ và chú trọng đến chất lượng con giống. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm chân trắng đạt 60,2 nghìn tấn, tăng 0,5%, sản lượng tôm sú đạt 31,3 nghìn tấn, tăng 0,3%.

Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp cải thiện tình hình bằng cách giảm chi phí, tập trung vào giá trị gia tăng. Một số doanh nghiệp nghiên cứu chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như tôm-rừng, tôm-lúa hay tôm sú với lợi thế từ thị trường Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc, nhờ mở cửa hậu COVID-19, đã bắt đầu phục hồi từ tháng 2 với mức tăng khoảng 5%. 

Kỳ vọng xuất khẩu tôm Việt Nam các tháng tới sẽ khá hơn khi tồn kho tại Mỹ giảm bớt, tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ diễn ra vào 12/3/2023 cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng doanh số xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ và cả các thị trường khác trên thế giới.

VASEP nhận định xuất khẩu tôm trong năm 2023 nhìn chung vẫn sẽ rất khó khăn, chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2/2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Điều này cũng thấy rõ, khi giá trị xuất khẩu tôm trong những tháng gần đây, nhất là tháng 2/2023 chỉ đạt 251 triệu USD, giảm mạnh với 54,9%.

Có thể bạn quan tâm:

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới