Hủy
Sách hay

Những góc nhìn khác về lịch sử Nam kỳ

Thứ Ba | 31/10/2023 12:02

Bìa quyển sách. Ảnh: Omega+

Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ diễn giải những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ xưa, với nguồn tranh/ảnh minh họa sống động, có giá trị.
 

Sách viết về Nam kỳ trong thời gian gần đây không còn hiếm, nhất là trong thời đại số hóa hiện nay, khi độc giả biết tiếng Pháp đều có thể tìm đọc tại Thư viện Quốc gia Pháp hay các trung tâm lưu trữ. Ngay trong tủ sách Lịch Sử Việt Nam và Tủ Sách Pháp Ngữ do Omega Plus thực hiện, cũng có nhiều ấn phẩm viết về Nam kỳ với những góc nhìn khác nhau.

Tuy nhiên, Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ của Nguyễn Quang Diệu vẫn mang đến cho độc giả góc nhìn khác về con người và vùng đất Nam kỳ thông qua những ghi chép về các sự kiện lịch sử với gần 150 tranh/ảnh/bản đồ sống động, có giá trị, trong đó có 24 trang in tranh/ảnh màu và một số hình ảnh lần đầu tiên được giới thiệu.

Cuốn sách giàu tư liệu lịch sử

Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ tập trung vào giai đoạn lịch sử từ 1810-1930. Những giai đoạn lịch sử dần hiện lên, từ lúc Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước các cuộc tấn công của quân Tây Sơn, đi qua nhiều biến động về lịch sử và văn hóa, dừng lại ở cuộc Đại suy thoái 1929-1933. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng được tác giả nhắc đến.

Năm 1874, Hòa ước Giáp Tuất được ký kết buộc triều đình Huế giao trọn Nam kỳ lục tỉnh cho người Pháp. Sau đó, Pháp buộc triều đình Huế ký liên tiếp 2 bản Hòa ước Quý Mùi năm 1883 và Hòa ước Giáp Thân năm1884, biến Bắc kỳ và Trung kỳ của Đại Nam trở thành xứ bảo hộ của người Pháp. Đến năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, cai quản xứ thuộc địa và 2 xứ bảo hộ của Đại Nam, kể cả vương quốc Cao Miên; đặt thủ phủ tại Sài Gòn (Nam kỳ), đến năm 1902 mới dời ra Hà Nội. Nam kỳ tuy không còn là trung tâm quyền lực nhưng vẫn là thủ phủ kinh tế của Liên bang. Với Sài Gòn là trung tâm đô thị và quyền lực của chính quyền thực dân, là cái nôi của báo chí Việt Nam buổi ban đầu. 

Ngoài một lần nữa khẳng định công lao của Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam kỳ, thông qua cuốn sách, Nguyễn Quang Diệu mong muốn đưa đến bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc phổ thông, bức tranh tổng quan về Lê Văn Duyệt. Không chỉ 2 lần giữ chức Tổng trấn Gia Định, vai trò của ông đối với việc phủ dụ người Man, vai trò đối nội với Xiêm La hay cai quản Chân Lạp đều rất quan trọng.

Tác giả Nguyễn Quang Diệu (bìa trái) trong buổi giao lưu với độc giả.
Tác giả Nguyễn Quang Diệu (bìa trái) trong buổi giao lưu với độc giả.

Giai đoạn 1923-1926 chứng kiến làn sóng di cư đổ về Sài Gòn, trong số đó có nhiều trí thức Tây học và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, những ký giả lão làng dùng ngòi bút đấu tranh và tạo ra những cuộc đối đầu công khai chống chính quyền thực dân. Sài Gòn cũng bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vài năm sau đó, giới kinh doanh, mua bán làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và đời sống người dân Sài Gòn lâm vào cảnh lao đao, từng dòng người dắt díu nhau lần lượt rời đi, người Tây và Hoa kiều về nước, người Việt tạm lui về vùng ven Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê cầm cự kiếm sống mong chờ cuộc đại khủng hoảng nhanh chóng qua đi, để trở lại Sài Gòn. Trong cơn đại khủng hoảng, người Sài Gòn cố gắng cầm cự chờ đợi trạng thái bình thường mới, và cũng chính trong lúc ngặt nghèo đó người Sài Gòn vẫn giữ được tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều hình thức từ thiện khác nhau.

Nhắc lại chuyện xưa với cái nhìn toàn cảnh, tác giả nhận định dòng chảy lịch sử có thể được lặp lại. Những bài học cũ đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Qua đó, tác giả nhận ra: “Ý chí của người dân thành thị Sài Gòn không hề bị đánh gục, mọi thứ thử thách chỉ là tạm thời, trạng thái bình thường mới đang chờ họ phía trước với óc sáng suốt hiểu thời cuộc. Có sinh tồn thì phải có hy vọng”. Sách được viết bởi giọng văn mềm mại, đảm bảo nguồn trích dẫn rõ ràng, nội dung trình bày lớp lang, bài bản.

Một góc nhìn rộng hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam

Bên cạnh những ghi chép về lịch sử Sài Gòn và Nam kỳ, tác phẩm còn cung cấp cho độc giả một khối lượng lớn tranh/ảnh quý giá nhằm minh họa cho các sử kiện được nhắc đến rải rác trong sách.

Phần lớn tranh/ảnh quan trọng về Việt Nam xưa được lưu giữ trên các sách/báo Pháp ngữ như tuần san Le Monde Illustré (Thế giới họa báo), L’illustration (Minh họa), Le tour du monde (Vòng quanh thế giới)... vào cái thời chưa thể in tranh ảnh trực tiếp, mà phải thông qua một công đoạn trung gian là khắc in nhờ vào đôi tay của những thợ khắc chuyên nghiệp.

Một bức tranh được in trên báo Pháp lúc bấy giờ có sự tham gia của nhiều người, có những bức tranh phải qua 3 công đoạn trước khi được xuất hiện chính thức trên báo, chú thích dưới (hầu hết) mỗi bức tranh sẽ mang đến cho bạn đọc những chỉ dẫn cần thiết. Ở đó, có sự hiện diện của các hình thức ký họa/vẽ phác thảo (croquis), hình họa (dessin) và khắc (gravure), tuy nhiên không phải bức tranh nào được in ra cũng bao gồm 3 hình thức kể trên.

Có tranh được khắc trực tiếp từ một bản phác thảo hoặc nhiều bản phác thảo, người vẽ phác thảo/ký họa đó có thể là sĩ quan hải quân, trực tiếp tham gia các sự kiện... Có trường hợp từ bản phác thảo ban đầu, họa công/thợ vẽ sẽ vẽ thành một bản hoàn chỉnh, thợ khắc sẽ làm việc dựa trên bản vẽ này. Có trường hợp tranh được khắc theo một bức ảnh chụp hoặc từ nhiều bức ảnh, bức tranh nổi tiếng Cảnh chợ Sài Gòn (Scène prise au marché de Saigon) in trong tác phẩm Voyage en Cochinchine của bác sĩ Albert Morice là một trong nhiều ví dụ.

Một bức tranh trong sách
Hình ảnh trong sách được đầu tư tỉ mỉ, có giá trị lớn về cứ liệu. Trong ảnh là bức Cảnh Chợ Sài Gòn

Phía dưới bức tranh này, ngoài nội dung chú thích chủ đề còn có dòng thông tin: Hình họa của D. Maillart, dựa theo các bức ảnh (Dessin de D. Maillart, d’après des photographies). Ở góc dưới bên trái bức tranh có chữ ký MD (tức Diogène Maillart), ở góc dưới bên phải có chữ ký hơi khó đọc là C. Laplante (tức Charles Laplante). Từ nhiều nguồn tài liệu, bạn đọc có thể tra cứu được Diogène Maillart (1840-1926) là một thợ vẽ (dessinateur), Charles Laplante (1837-1903) là một thợ khắc (graveur), họ đều có danh tiếng.

Khi in lại tranh/ảnh xưa, ngoài những dòng chú thích nội dung tranh/ảnh, tác giả cũng cung cấp thêm các thông tin: bản phác thảo của ai, hình họa của ai, và ai là thợ khắc… nhằm góp phần đưa ra ánh sáng tên tuổi những nghệ sĩ giúp lưu giữ hình ảnh Việt Nam trong quá khứ, qua đó có một cái nhìn rộng hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam mà những nghệ sĩ phương Tây có dự phần, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn là một giai đoạn lịch sử phong phú, đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cả những mâu thuẫn, nghịch lý và ngộ nhận. Vì vậy, việc viết về giai đoạn này cho đến nay vẫn không ngừng đem đến nhiều thách thức lẫn những khám phá.

Nguyễn Quang Diệu, sinh ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Hàng chục năm sống ở Sài Gòn, anh xem mảnh đất này như quê hương thứ 2. Anh có mối quan tâm đặc biệt với lịch sử. Ngoài yêu thích đọc sách, anh đồng thời cũng là một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm về lịch sử. Trước Khắc Họa Bức Tranh Lịch Sử Nam Kỳ, vào năm 2018, anh đã biên soạn và giới thiệu du ký Một Tháng Ở Nam Kỳ (Phạm Quỳnh) với bút danh Thư Hương.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới