Hủy
Tài Chính

Đường về đích lợi nhuận 2023

Vũ Hoài Thứ Hai | 04/12/2023 07:30

Trên đường đua về đích lợi nhuận, dầu khí, tiện ích và bảo hiểm là 3 nhóm ngành đã cán đích lợi nhuận cả năm 2023 chỉ trong 9 tháng đầu năm. Ảnh: Quý Hòa

Kinh doanh đang trên đường hồi phục nhưng lại có sự phân hóa mạnh.
 

Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đang trong xu hướng hồi phục, nhưng các ngành lại có sự phân hóa khá mạnh. Số liệu từ FiinGroup cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của toàn thị trường giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 7,6% so với quý II/2023.

Đường đua về đích 

Điểm đáng chú ý là trong 9 tháng đầu năm, chỉ có 411/1.109, tương đương khoảng 37% doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết hoàn thành trên 75% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2023. Toàn thị trường hoàn thành 70% kế hoạch năm, trong đó khối tài chính (69%) và phi tài chính (70,2%). Trên đường đua về đích lợi nhuận, dầu khí, tiện ích và bảo hiểm là 3 nhóm ngành đã cán đích lợi nhuận cả năm 2023 chỉ trong 9 tháng đầu năm.

Đáng chú ý nhất là nhóm dầu khí khi chứng kiến lợi nhuận sau thuế đảo chiều mạnh mẽ trong quý III từ suy giảm sang tăng trưởng hàng trăm phần trăm chủ yếu nhờ biên EBIT cải thiện khi giá dầu tăng mạnh. Trong đó, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) là 2 trường hợp điển hình.

Lợi nhuận quý III của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng hơn 600% so với cùng kỳ chủ yếu do khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý III/2023 tốt hơn cùng kỳ, giá vốn hàng bán giảm mạnh, kéo lợi nhuận gộp của Công ty tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận sau thuế tăng mạnh. Còn Petrolimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 284% so với cùng kỳ trong quý III chủ yếu nhờ doanh thu từ việc thoái vốn tại Ngân hàng PG Bank.

 

Số liệu từ FiinGroup cho thấy, trong 8/19 ngành có tỉ lệ hoàn thành trên mức trung bình toàn thị trường (70%), ngoại trừ bất động sản (đóng góp 13,6% tổng lợi nhuận sau thuế chủ yếu nhờ hoạt động bán buôn dự án trong quý II/2023 của Vinhomes), 7 ngành còn lại đóng góp tỉ trọng rất nhỏ và do đó khó tạo ra sự đột biến về tăng trưởng của toàn thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhóm có tỉ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức thấp là ngân hàng và các ngành hàng có kỳ vọng hồi phục nhờ xuất khẩu, cầu tiêu dùng, đóng góp của nhóm này vào tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường là hơn 60%. Trong khi đó, đối với nhóm ngân hàng, FiinGroup cho rằng lợi nhuận suy giảm của nhóm này chủ yếu do thu nhập lãi thuần kém đi vì tín dụng tăng thấp trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn kém của nền kinh tế, NIM thu hẹp, mảng bancassurance và tư vấn phát hành bị ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực gần đây liên quan đến hoạt động bán chéo bảo hiểm và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Kỳ vọng đối với nhóm ngân hàng, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest, cho rằng có thể kỳ vọng tín dụng sẽ được khơi thông trong thời gian tới và sang năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện khi nền kinh tế phục hồi. Lượng vốn trong hệ thống ngân hàng trong 6 tháng gần đây huy động với lãi suất rẻ hơn, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn, kích thích nhu cầu vay vốn, kỳ vọng thúc đẩy tín dụng tăng trưởng trở lại. Cùng với đó, khi các khoản nợ xấu được hoãn, giãn thì chi phí trích lập dự phòng sẽ được “san sẻ ra” thay vì phải dồn 1-2 quý và không quá bào mòn lợi nhuận của ngành ngân hàng.

“Đối với nhóm ngân hàng, chúng ta cần chú ý đến những thông tư có liên quan đến lãi dự thu, những ngân hàng có lãi dự thu lớn sẽ bị ảnh hưởng và tương lai sẽ càng ngày phân hóa”, ông Khánh nói thêm.

Bức tranh dần sáng hơn 

Xét về tăng trưởng, lợi nhuận sau thuế quý III suy giảm ở nhóm ngân hàng và bất động sản, 2 nhóm có tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu lợi nhuận toàn thị trường. Tuy nhiên, bức tranh bất động sản dần sáng hơn khi những nút thắt đang dần được gỡ. Cụ thể, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nhận định trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng rất cao với mức tăng 21,86%, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang phát huy hiệu quả.

 

Đánh giá về tình hình kinh doanh quý III của các doanh nghiệp, ông Lê Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng 4 quý trong năm thì quý I và quý III là 2 quý mà các hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với các đặc thù.

Quý III vừa qua nhận thấy rõ sự khó khăn của nền kinh tế từ tổng cầu yếu, đơn hàng giảm, việc làm ít đi và tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như bất động sản, dệt may, thủy sản và một số ngành phụ thuộc liên quan.Ông Hà cho rằng kinh tế về tổng thể sẽ chưa thể bứt phá liền sau một quý, nhưng chắc chắn có cải thiện sau nhiều chính sách mà Chính phủ đã ban hành nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm sẽ giúp chi phí vốn cũng như chi phí khác của các bên tham gia nền kinh tế giảm đáng kể.

“Quý cuối cùng của năm sẽ có thêm ngành tiêu dùng trở lại từ đáy, nhưng năm 2023 thu nhập của phần lớn người dân đều yếu đi, nên cũng không kỳ vọng cao về việc tăng trưởng mạnh. Để mọi thứ tốt đẹp lên, các ngành cần thời gian ngấm chính sách và người dân cần việc làm để tạo thu nhập, kinh tế ổn dần lên thì chi tiêu và tiết kiệm mới tăng lên, từ đó sẽ tăng đầu tư vì tổng tiết kiệm của toàn dân đã giảm đi rất nhiều sau đại dịch và khủng hoảng trái phiếu năm 2022”, ông Hà nói thêm.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới