Hủy
Góc nhìn chuyên gia

Kinh tế Việt Nam đã đi qua vùng xấu

Ông Trần Thăng Long, Chứng khoán BSC Thứ Năm | 28/09/2023 09:20

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng Khoán BIDV (BSC). Ảnh chụp màn hình từ Talkshow Phố Tài chính.

Một trong những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập đến tình trạng của nền kinh tế Việt Nam đó là những điều xấu đã qua đi.
 

Chia sẻ trong Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng Khoán BIDV (BSC) cho hay, những điều xấu đối với nền kinh tế Việt Nam đã qua đi. Điều này được thể hiện qua khá là nhiều chỉ số quan trọng. Chẳng hạn như cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam thặng dư khá lớn, đồng thời lãi suất thì liên tục có xu hướng giảm. Chỉ số PMI trong tháng 8 vừa qua cũng lần đầu tiên đạt trên mốc 50 điểm sau nhiều tháng, và đi kèm với đó tỉ lệ giải ngân đầu tư công cũng khá tốt với mức tăng trưởng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Nhìn về bức tranh tăng trưởng chung, nửa đầu năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 3,5-3,7% và nếu để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 ở mức 6,5% thì quý III, quý IV tốc độ tăng trưởng đâu đó phải đạt 8-9%. 

“Tôi thấy rằng quý III và quý IV chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh so với giai đoạn đầu năm. Nhưng để được mức từ 8-9% cũng rất thách thức”, ông Long chia sẻ. 

Chúng ta nhìn vào tiêu dùng thì đâu đó tăng trưởng xấp xỉ khoảng 10%, trong khi ở giai đoạn trước COVID-19 thì mức tăng này đâu đó phải 12-15%.

Ngoài ra, khối xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng khá là yếu trong kỳ, không chỉ vì những nguyên nhân từ phía Việt Nam mà đa phần đến từ các bạn hàng lớn nhất của chúng ta, khi nhu cầu của họ cũng suy giảm. Nhìn nhận về thị trường chứng khoán, thống kê của BSC cho thấy 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số VN-Index tăng khoảng 21%, mức tăng khá cao so với khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh nhiều chỉ số của các thị trường lớn giảm điểm. 

Bên cạnh những chính sách được thi hành trong thời gian vừa qua góp phần hỗ trợ tăng trưởng thì việc ứng dụng hệ thống KRX trong thời gian tới cũng là điểm tích cực đối với thị trường. Theo ông Long, khi có hệ thống mới thì những sản phẩm mới sẽ có cơ sở để triển khai và từ đó tạo một nền tảng tốt cho thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng hướng đến trở thành một thị trường mới nổi đúng nghĩa.

 

“Tôi thấy rằng trong những quá trình phục hồi của nền kinh tế thì không có con đường nào là bằng phẳng cả”, ông Long chia sẻ. 

Cũng theo đại diện của BSC, điều mà gần đây thị trường hay quan tâm đó là rủi ro về lạm phát có quay trở lại không, khi một số hàng hóa cơ bản tăng giá tương đối so với giai đoạn quý II vừa qua. Thứ hai là các yếu tố mà liên quan đến kì vọng về mặt lãi suất. Hiện nay mặt bằng lãi suất ở Mỹ cũng đang duy trì ở mức tương đối cao so với thời kỳ 2008, vì vậy đồng USD cũng duy trì một vị thế rất là mạnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn lại cách đây hơn 1 năm thì vị thế liên quan đến yếu tố ngoại hối của Việt Nam thì cũng tốt hơn khá là nhiều khi chúng ta xuất siêu hơn 20 tỉ USD, cùng với những kỳ vọng về dòng vốn FDI, đặc biệt là sau giai đoạn mà Việt Nam có rất nhiều cuộc gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia lớn trên thế giới.

“Những yếu tố liên quan đến đầu tư nước ngoài đang thuận lợi trở lại cho thấy rằng là sức ép liên quan đến tỉ giá là có nhưng không phải là một yếu tố quá trọng yếu đến thị trường”, ông Long nói. 

(Bài viết được thuật lại từ chia sẻ của ông Trần Thăng Long tại Talkshow Phố Tài chính). 

Có thể bạn quan tâm 

5 hạnh phúc của một chủ doanh nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới