Hủy
Tài Chính

Lần đầu tiên trong năm 2022 "câu lạc bộ" vốn hóa tỉ USD có ít hơn 40 thành viên

Song Luân Thứ Sáu | 14/10/2022 16:16

Đến hết tháng 9/2022, trên HOSE có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD. Ảnh: TL.

Số lượng thành viên của "câu lạc bộ" vốn hóa tỉ USD đã có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiêu cực.
 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.132,11 điểm, giảm 11,59% so với tháng 8 và giảm 24,44% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 9 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 13.396 tỉ đồng và 527,18 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 14,16% về giá trị bình quân và 15,90% về khối lượng bình quân so với tháng 8.

Trước diễn biến của thị trường, đến hết tháng 9/2022, trên HOSE có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 1 doanh nghiệp duy trì vốn hóa trên 10 tỉ USD (Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)). Đây đều là những con số thấp nhất trong 9 tháng đầu năm 2022. 

 

So với thời điểm cuối năm 2021, số lượng doanh nghiệp tỉ USD đã giảm hơn 15%, từ mức 46 doanh nghiệp ở cuối năm ngoái. Còn nếu xét trong năm 2022 thì tháng 9 vừa qua là lần đầu tiên ‘câu lạc bộ’ vốn hóa tỉ USD có ít hơn 40 thành viên. Đây cũng có thể là điều dễ hiểu khi tháng 9 vừa qua là tháng có mức giảm mạnh nhất của thị trường, nhiều cổ phiếu đã 'phá đáy COVID-19', còn thị trường cũng về vùng thấp nhất trong năm 2022. 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, áp lực lạm phát ở Việt Nam có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cũng như trong bối cảnh giá dầu và hàng hóa ổn định hơn. Tuy nhiên, VN-Index đã phải chịu một đợt bán tháo lớn, phần lớn là do tâm lý tiêu cực phần lớn là do tâm lý tiêu cực đến từ quyết định tăng lãi suất của Fed và Ngân hàng Nhà nước, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Hơn nữa, tâm lý thị trường cũng phản ánh căng thẳng địa chính trị gia tăng khi Nga gần đây đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.

 

Theo quan điểm của Mirae Asset, những biến động gần đây do các sự kiện địa chính trị toàn cầu gây ra góp phần làm nổi bật các lợi thế của Việt Nam. Tầm nhìn đến cuối năm 2022, công ty chứng khoán này có những nhận định/kỳ vọng sau: 1) Giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát; 2) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang có sự tái cấu trúc mạnh mẽ; và 3) lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến các ngành/công ty sử dụng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Nếu các yếu tố vĩ mô của thế giới và trong nước không diễn biến xấu hơn, Mirae Asset cho biết họ vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 là 17,5% so với cùng kỳ, so với mức kì vọng của thị trường là 22% so với cùng kỳ. 

“Do tâm lý ngại rủi ro hiện đang chiếm ưu thế, chúng tôi kì vọng chỉ số VN-Index sẽ được hỗ trợ mạnh tại mốc 1.000 - 1.060 điểm, tương ứng với P/E dự phóng cuối năm 2022 là 9,9x –10,5x. Vì vậy, những nhịp điều chỉnh sẽ mở ra cơ hội tích lũy những cổ phiếu tốt, với kì vọng đầu tư trung và dài hạn”, Mirae Asset nhìn nhận. 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng/ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng 9, tỉ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Theo quan điểm của Mirae Asset, những áp lực bên ngoài có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng.

Có thể bạn quan tâm 

Dòng tiền phân hóa, thị trường xanh, danh mục vẫn đỏ

Thị trường chứng khoán Việt Nam và sự tương quan lớn với lãi suất


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới