Hủy
Tài Chính

Những doanh nghiệp hào phóng nhất với cổ đông

Vũ Hoài Thứ Hai | 11/04/2022 14:00

Thị trường đã hình thành danh sách những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Ảnh: TL.

Trong nhóm có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp nào “hào phóng” nhất với cổ đông?
 

Hơn 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc và trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2020, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong năm 2021, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều thách thức nhưng với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn thành công để khôi phục sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm trên thị trường cổ phiếu của HOSE ước đạt hơn 49.605 tỉ đồng với 72 đợt phát hành có thu tiền, tương ứng tăng hơn 5 lần về giá trị so với năm 2020.

Thị trường đã hình thành danh sách những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. Theo thông tin được công bố trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến hết tháng 3/2022, trên HOSE đã có 49 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD là Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Vietcombank (VCB) và Vinhomes (VHM). Trong số này, đâu là những doanh nghiệp “hào phóng” nhất với cổ đông?

Để đo mức độ “hào phóng” của các chủ doanh nghiệp với cổ đông, có thể sử dụng tỉ lệ chi trả cổ tức Dividend Payout (tỉ lệ giữa tổng số cổ tức được trả cho cổ đông so với thu nhập ròng của công ty). Đây là tỉ lệ phần trăm thu nhập được trả cho cổ đông thông qua cổ tức. Số tiền chưa trả cho cổ đông được công ty giữ lại để trả nợ hoặc tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên, năm 2022 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt. Chính vì thế, trong Top 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất và chi trả cổ tức cao nhất trên sàn HOSE, NCĐT đã không liệt kê nhóm ngân hàng. 

 

Theo thống kê của NCĐT trong Top 10 vốn hóa trên sàn HOSE, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) là doanh nghiệp có tỉ lệ chi trả cổ tức cao nhất trong năm 2021. Vinamilk xưa nay nổi tiếng trên thị trường chứng khoán với tỉ lệ chi trả cổ tức cao, bền vững. Doanh nghiệp này cũng là thành viên kỳ cựu của câu lạc bộ “vua tiền mặt” trên thị trường khi khối tiền mặt của Vinamilk lên tới 1 tỉ USD (năm 2021).

Số liệu từ báo cáo tài chính công ty mẹ của Vinamilk trong năm 2021 cho thấy, doanh nghiệp này đã chi trả hơn 7.523 tỉ đồng cổ tức cho các cổ đông, trong khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 là hơn 10.532 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ chi trả cổ tức hơn 71,4%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 đồng lợi nhuận tạo ra, Vinamilk chi trả hơn 71,4 đồng cổ tức.

Năm 2022, Vinamilk đặt mục tiêu trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 38,5%, tương ứng 3.850 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền dự kiến là 8.046 tỉ đồng, tương đương 83% lợi nhuận sau thuế.

Chính sách cổ tức của Vinamilk đều được Đại hội đồng cổ đông thường niên hằng năm phê duyệt căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm. Thông thường, Vinamilk sẽ thanh toán cổ tức cho cổ đông thành 3 đợt trong năm.

Với tư duy không có “khó khăn nhất”, bất kỳ thời điểm nào doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, là một trong số ít các lãnh đạo doanh nghiệp cân bằng được bài toán khó trong quản trị doanh nghiệp, đó là các nhóm cổ đông, nông dân, Nhà nước và người tiêu dùng, giúp Vinamilk gầy dựng nên đế chế tỉ USD. 

Trong thông điệp gửi các cổ đông năm 2022, bà Mai Kiều Liên chia sẻ: “Thực trạng giá nguyên vật liệu tăng mạnh kể từ khi đại dịch bắt đầu và tiếp tục neo ở mức cao là bài toán khó không chỉ của riêng Vinamilk mà còn của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khác. Công ty đã và đang theo dõi sâu sát diễn biến giá nguyên liệu để lên kế hoạch mua hàng hiệu quả nhất”.

 

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) cũng là những doanh nghiệp có tỉ lệ chi trả cổ tức cao, lần lượt là 66,2% và 57,7% trong năm 2021. Tương tự như Vinamilk, PV GAS cũng là gương mặt kỳ cựu của câu lạc bộ “vua tiền mặt” khi lượng tiền mặt thời điểm cuối năm 2021 của doanh nghiệp này lên tới hơn 30.100 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, có những doanh nghiệp không chi trả cổ tức hoặc có tỉ lệ chi trả cổ tức khá thấp trong năm 2021. Điển hình như Vingroup không chi trả cổ tức trong năm 2021. Vingroup cũng là doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ “vua tiền mặt”, hiện đang gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế ở mảng xe điện. Đặc biệt, mảng bất động sản của tập đoàn này vẫn là một điểm sáng khi Vinhomes luôn thuộc top các doanh nghiệp dẫn đầu lợi nhuận trên thị trường.

Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm, chiến lược đầu tư nhận cổ tức sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và tương đối cao, thậm chí có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi nhuận kép nếu lãi suất giảm mạnh. Vì thế, cổ phiếu của những doanh nghiệp “hào phóng” với cổ đông luôn có sức hút với giới đầu tư xem chứng khoán là một kênh sinh lời bền vững. 

Về lý thuyết, tỉ lệ cổ tức tăng đều đặn có thể cho thấy một doanh nghiệp đang phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc không chia cổ tức không phản ánh quá nhiều hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, trong việc giải bài toán tăng trưởng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới