5 hiểm họa khủng hoảng tài chính mà bạn cần đề phòng
Tại nước Mỹ, những lời hứa của Tổng thống Donald Trump về việc loại bỏ Obamacare, giảm thuế và nới lỏng luật lệ ngân hàng đã khiến giá cổ phiếu tăng cao và thúc đẩy sự lạc quan của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lịch sử đã nhắc chúng ta rằng khi mọi người trở nên quá lạc quan thì cũng là lúc không chú ý tới những nguy hiểm tiềm ẩn có thể dẫn tới sự sụp đổ toàn hệ thống.
Dưới đây là 5 nhân tố có thể khiến chính quyền Donald Trump phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng mới:
1. Bong bóng bất động sản
Giá trị bất động sản đã tăng mạnh ở các thành phố lớn của Mỹ, nhờ lãi suất vay mua bất động sản thấp, cộng thêm tác động từ đạo luật Dodd-Frank làm gia tăng nguồn cung tín dụng cho giới giàu có.
Hiện giờ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lên mức đủ cao để gây áp lực cho các khoản thanh toán hàng tháng và khiến người mua nhà lăn tăn khi vay vốn mua nhà. Tương tự, số căn hộ xây mới tăng mạnh đang tạo áp lực lên các chủ nhà, khiến họ không thể treo giá cao như trước.
Giá nhà trung vị tại Mỹ hiện đã bằng mức trước khủng hoảng 2008, và được dự đoán sẽ còn tăng hơn nữa. Ảnh: Zillow |
Tương tự cuộc khủng hoảng tiết kiệm trong thập niên 1980 và cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, những người sở hữu nhà và giới nhà đầu tư có thể nhận ra là mình đã mua với giá quá cao, và giá trị bất động sản ở các khu vực trung tâm có thể hướng đến một đợt “điều chỉnh”.
2. Nợ học phí đại học
Tổng dư nợ sinh viên hiện tại ở Mỹ đã vượt mức 1,4 nghìn tỷ USD và có tới 40% số người vay đã mất khả năng thanh toán hay là thanh toán rất chậm. Một ngày nào đó, chính quyền liên bang sẽ phải gánh khoản nợ hàng trăm tỷ USD này, hoặc là chấp nhận để các nhà băng và nhà đầu tư trái phiếu chịu những khoản lỗ khổng lồ.
Tổng dư nợ học phí đại học tại Mỹ (màu xanh) đã tăng cực nhanh, và hiện còn cao hơn tổng dự nợ vay mua xe (màu đỏ). Ảnh: Zero Hedge |
Khi điều đó xảy ra, có thể sẽ có một đợt cứu trợ nữa, hoặc là mọt công ty tài chính lớn khác lại sụp đổ như Lehman Brothers hồi năm 2008. Nói chung, sẽ có rất ít lối thoát êm ả cho tình huống này.
3. Các ngân hàng Châu Âu
Các ngân hàng Châu Âu đang gặp khó khăn do nền kinh tế tăng trưởng chậm và lãi suất siêu thấp, khiến họ khó loại bỏ nợ xấu khỏi bảng cân đối tài sản của mình. Khoảng 17% các khoản cho vay của các ngân hàng Ý là nợ xấu, tình cảnh ở các nơi khác cũng rất khó khăn.
Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank gần đây phải chấp nhận chịu một khoản tiền phạt lớn từ Bộ tư pháp Mỹ do vai trò của ngân hàng này trong cuộc khủng hoảng tài chính. Sự việc này cho thấy rằng tuy Deutsche Bank không được quản lý tốt cho lắm, nhưng lại có sự liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng khác ở Châu Âu và Mỹ.
Trong khi lợi nhuận ngành ngân hàng Mỹ (đường màu đậm) đã phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng 2008, ngành ngân hàng châu Âu (màu nhạt) vẫn rất chậm chạp. Ảnh: DB Research |
Deutsche Bank đã liên tục tìm cách gọi vốn mới, và sắp tới cơ quan quản lý ngân hàng Châu Âu có thể buộc các trái chủ phải chấp nhận chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu (bail-in) và chịu những khoản lỗ khổng lồ.
Điều này sẽ dễ khiến các khu vực khác hoảng loạn. Ở Ý, người gửi tiền bình thường được khuyến khích mua trái phiếu theo như cách người Mỹ đầu tư chứng chỉ tiền gửi. Việc ép buộc chuyển trái phiếu thành cổ phiếu có thể dẫn đến nhiều thiệt hại lên các khoản tiết kiệm và sức mua của người dân, từ đó tạo ra làn sóng suy thoái lan rộng tới các ngân hàng Châu Âu và Mỹ.
4. Kinh tế Trung Quốc
Nhiều năm nay, chính quyền cấp trung ương lẫn cấp tỉnh của Trung Quốc đã trợ cấp cho các doanh nghiệp yếu kém thông qua chính sách tín dụng lỏng lẻo, cũng như thúc đẩy tăng trưởng bằng các khoản cho vay vô tội vạ đổ vào các dự án lãng phí. Thâm hụt ngân sách Trung Quốc được ước tính vào khoảng 15% GDP, còn tổng nợ công và tư ở mức 250% GDP.
Tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng so với GDP của Trung Quốc liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Ảnh: Bloomberg |
Việc Trung Quốc nới lỏng định lượng cũng đã đẩy giá cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa và giá nhà lên mức báo động. Nhiều nhà đầu tư lớn đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, khiến đồng NDT ngày càng mất giá so với USD.
Nếu Trung Quốc rơi vào tình trạng vỡ bong bóng và đồng NDT mất giá mạnh, cả Châu Á và các nền kinh tế đang phát triển khác vốn đang phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ rất dễ mất khả năng thanh toán các khoản nợ bằng USD. Hiện tượng này khi đó sẽ tương tự cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Châu Á cuối những năm 1990, vốn từng khiến nhiều tổ chức tín dụng tại Mỹ bị thiệt hại cực nặng.
5. Chia rẽ trong bộ máy chính quyền Mỹ
Kế hoạch kinh tế của Trump có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và khiến một số vấn đề trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Trump đang phải đối mặt với việc mất đoàn kết trong Đảng cộng hòa xoay quanh việc thông qua dự luật chăm sóc sức khỏe mới và sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu ông Trump thất bại, thị trường chứng khoán có thể đi xuống, làm sụt giảm mức đầu tư của các doanh nghiệp, tạo sự hoang mang cho người tiêu dùng và châm ngòi cho một cuộc suy thoái mới.
Cuộc đối đầu ngầm giữa Donald Trump và Phát ngôn viên Hạ viện Paul Ryan (phải) sẽ quyết định tương lai của Đảng Cộng hòa. Ảnh: nymag.com |
Đối mặt với sự phản đối từ nhóm nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hoà (House Freedom Caucus), giữa lúc Đảng này chỉ nắm được 52 ghế trong Thượng viện, ông Trump cần phải thành lập được một liên minh ôn hoà. Tuy nhiên, những thành viên đảng Dân chủ theo xu hướng ôn hoà cũng khó mà đi ngược lại đường lối chung của đảng này là phản đối ông Trump. Do đó, Trump sẽ khó lòng mà xây dựng được một liên minh lưỡng đảng như hai cựu tổng thống Cộng hòa khác là Reagan và Bush con từng làm được.
Xem ra, cả phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa lẫn các thành viên Đảng Dân chủ đều sẵn sàng chống lại Trump để giành lấy ưu thế chính trị, ngay cả nếu điều này khiến kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng.
Bá Ước
Nguồn MarketWatch
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Vân